Facebook kỳ vọng metaverse sẽ là công nghệ mang tính bước ngoặt của tương lai
Mỹ điều tra Facebook vì nghi ngờ 'dung túng' cho tin giả mạo và nội dung độc hại
Trí tuệ nhân tạo của Facebook có khả năng ghi lại mọi thứ người dùng làm
Kính thông minh Ran-Ban Stories vừa được Facebook cho ra mắt có gì đặc biệt?
Facebook vừa thông báo kế hoạch tuyển dụng tới 10.000 lao động tại Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng "metaverse", một phiên bản thực tế ảo của mạng Internet mà Facebook rất kỳ vọng sẽ là sản phẩm mang tính đột phá trong tương lai.
Hãng tin Reuters trích thông báo của Facebook cho biết khoản đầu tư vào việc tuyển nhân sự xây dựng metaverse là động thái thể hiện niềm tin vào sức mạnh của ngành công nghiệp công nghệ châu Âu. Theo Facebook, EU có nhiều lợi thế như thị trường tiêu dùng lớn, các trường đại học hàng đầu và nhiều tài năng xuất sắc. Những vị trí được tuyển dụng sẽ gồm "những kỹ sư chuyên biệt hóa cao".
Theo trang tin công nghệ The Verge, metaverse là không gian mạng được tạo nên bởi các yếu tố bao gồm sự tương tác thực giữa con người kết hợp với công nghệ thực tế ảo.
Nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hé lộ metaverse sẽ hiển thị chất lượng hình ảnh độ nét cao. Tuy được gọi là mạng internet ảo nhưng lại giúp xóa nhòa đáng kể ranh giới giữa thế giới thực và thế giới số. Công nghệ cho phép những người đeo kính thực tế ảo có thể dạo chơi, kết bạn, mua bán, tham dự sự kiện với cảm giác như thật. Chẳng hạn, một số ca sĩ nổi tiếng đã biểu diễn trước vô số khán giả theo dõi tại nhà qua nền tảng Fortnite. Người dùng có thể xin được việc làm trên nền tảng trực tuyến Decentraland, kiếm thu nhập và giao dịch qua những đồng tiền số.
Trong một chia sẻ với The Verge, nhà sáng lập Facebook cho biết, Metaverse là nơi bạn có thể tương tác thực tế với người khác trong không gian số, chứ không chỉ nhìn qua màn hình như cách chúng ta lướt internet bây giờ. Đội ngũ Facebook tin rằng metaverse sẽ kế nhiệm việc lướt mạng trên thiết bị di động.
Vào tháng 7 năm nay, Facebook đã thành lập một nhóm sản xuất chuyên về metaverse. Nhóm này trực thuộc Facebook Reality Labs, một bộ phận chuyên về thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) thuộc sở hữu của Facebook.
Bên cạnh Facebook còn có hàng loạt tên tuổi lớn khác trong làng công nghệ như Sony, Epic Games, Microsoft hay nVidia cũng đang thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành với metaverse. Epic Games hồi tháng 4/2021 đã được đầu tư 1 tỉ USD, trong đó Sony góp 200 triệu USD, để xây dựng kế hoạch metaverse.
Một ông lớn khác cũng có tiềm năng gia nhập sân chơi này là Apple. Dù chưa từng công khai thừa nhận, nhưng nhiều tin đồn cho thấy Apple cũng đang phát triển một thiết bị đeo VR và có thể còn có cả một thiết bị đeo Thực tế mở rộng (XR) trong tương lai. Những thiết bị này không chỉ bổ sung cho hệ sinh thái hiện tại của Apple mà còn có thể góp mặt vào một metaverse trong tương lai.
Facebook cũng cho rằng metaverse là môi trường ảo khổng lồ mà không một công ty nào có thể một mình vận hành mà cần sự kết hợp của nhiều bên để tạo thành một hệ sinh thái chung. Hệ sinh thái này càng có nhiều người đóng góp nội dung thì sẽ càng phát triển mạnh.
Nhiều người tin rằng ý tưởng metaverse chính là phiên bản thực tế từ series phim Ma Trận hay sau này là phim Ready Player One (công chiếu vào năm 2018). Cũng có thể trong tương lai, khi công nghệ phát triển hơn nữa thì mức độ chi tiết và chân thực của metaverse sẽ được so sánh với phim Avatar.
Đại địch COVID-19 cũng là một yếu tố thúc đẩy sự ra đời của hệ sinh thái ảo mở rộng này, bởi số người làm việc tại nhà tăng nhanh chóng và xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
Về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thực tế ảo, đầu năm nay, hãng Microsoft đã phát triển thành công chiếc kính thực tế ảo mang tên HoloLens, cho phép các bác sĩ có thể "nhìn thấu" các dây thần kinh trên cơ thể. Sáng kiến này phần nào giúp đơn giản hoá quá trình phẫu thuật cho các bệnh nhân có khối u trên mặt.
Chiếc kính hoạt động bằng cách tạo ra hình ảnh ba chiều thông qua tai nghe công nghệ cao. Nó cho biết chính xác vị trí các dây thần kinh xung quanh khối u, giúp làm giảm khả năng các dây thần kinh bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
Chiếc kính thực tế ảo hiện đang được thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học College London như một biện pháp hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân có khối u ở mang tai. Ước tính mỗi năm có khoảng 5.000 người Anh gặp phải chứng bệnh này. Dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng 80% các khối u là lành tính và không di căn sang các bộ phận khác. Các nhà khoa học vẫn đang xác định liệu nguyên nhân hình thành khối u này có đến từ yếu tố di truyền hay không.
Với các biện pháp phẫu thuật thông thường, hơn một phần tư số bệnh nhân được ghi nhận bị liệt mặt, không thể nhắm mắt hay cử động môi dưới để ăn, uống và nói chuyện. Dù hầu hết các bệnh nhân sẽ trở lại bình thường sau một vài tháng, Anh cũng đã ghi nhận một trường hợp bị liệt vĩnh viễn. Việc các khối u phát triển làm thay đổi cấu trúc giải phẫu khiến các bác sĩ có thể vô tình làm tổn thương hoặc cắt đứt dây thần kinh mặt trong quá trình phẫu thuật. Chiếc kính HoloLens đã được chứng minh có thể giảm sắc xuất rủi ro trên xuống chỉ còn 7%.
Hiện có khoảng 30 bệnh nhân tại Anh nằm trong danh sách những người đầu tiên trên thế giới được trải nghiệm cách thức phẫu thuật mới mẻ - sử dụng kính thực tế ảo HoloLens. Trong tương lai, hàng nghìn bệnh nhân cũng có thể tiếp cận sáng kiến HoloLens nếu công nghệ tiên tiến này được triển khai.
Diệu Hương (T/h)