Gạo, cà phê và nhiều nông sản 'siêu sạch' được quảng bá tại Thủ đô

authorHoàng Dương 17:35 02/12/2016

(VietQ.vn) - Hơn 1.000 người nông dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đã được tài trợ để mang các nông sản siêu sạch, không hóa chất ra thị trường.

Sự kiện: tin tức thị trường

Từ ngày 1/12 đến 4/12, Hội chợ "Đặc sản Vùng Miền Việt Nam 2016" do Bộ Công Thương và UBND TP. Hà Nội tổ chức đã trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trong nước.

Tại đây, có một gian hàng nhỏ trong khu hội chợ gây được sự chú ý lớn của nhiều người dân Thủ đô đó là gian hàng bày bán các mặt hàng được sản xuất nhờ vốn viện trợ phi lợi nhuận, bao gồm: gạo, gừng, cà phê, thịt lợn, thịt gà và rau và một số nông sản siêu sạch.

Dịp tết Đinh Dậu 2017: Đào thế độc, lạ sẽ tạo nên cơn ‘sốt’(VietQ.vn) - Đào thế với nhiều kiểu dáng độc, lạ được dự báo sẽ tạo nên cơn ‘sốt’ trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Các sản phẩm của người nông dân được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Cơ quan Hợp Tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision). Gần 1,500 người nông dân hai huyện Hướng Hóa và Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị đã học và thực hành phương pháp canh tác tự nhiên nghiêm ngặt, đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là loại bỏ các sản phẩm hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và chất bảo quản trong quy trình sản xuất.

Hơn 3 triệu đô la Mỹ là ngân sách chi cho dự án tại hai huyện trên nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân nghèo, trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, bảo vệ đất và nguồn nước.

 Gạo sạch của người nông dân Quảng Trị đang được bày bán tại thủ đô Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Lan, một nông dân ở huyện Triệu Phong, cho biết: “Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên này, tôi chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng cách thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, quá trình chăm sóc thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, phòng và trị sâu bệnh bằng nước gừng, ớt, tỏi. Mặc dù mất công từ 7 đến 10 ngày phải phun chế phẩm một lần nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Ông Tom Wilson, Trưởng Chương trình Viện trợ New Zealand chia sẻ: “Dự án mà chúng tôi đang hợp tác thực hiện cùng World Vision đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho những người nông dân trồng cà phê, gừng và sắn.Thông qua phương pháp canh tác tự nhiên và các kết nối thị trường, kinh tế hộ gia đình của nông dân trên địa bàn dự án đã tăng đáng kể.

Ví dụ, nông dân trồng cà phê trước đây chú trọng về sản lượng nay đã chuyển trọng tâm sang chất lượng. Họ tự hào về những hạt cà phê sạch và chất lượng cao của mình và đang bắt đầu xây dựng thương hiệu cà phê riêng để kết nối với các doanh nghiệp thu mua và chế biến uy tín. New Zealand tự hào với những đóng góp giúp các hộ nông dân xây dựng cho mình một tương lai vững chắc”.

Được biết, sắp tới sẽ có thêm khoảng 1.000 nông dân tham gia sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên để đưa thêm nhiều nông sản sạch vào thị trường.

“Phát triển kinh tế bền vững cho hộ gia đình là chìa khóa để xóa nghèo và góp phần đảm bảo an sinh cho trẻ em. Để hiện thực hóa triết lý này, World Vision chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các chính phủ, cơ quan và doanh nghiệp nhằm thay thế hoạt động viện trợ truyền thống với hiệu quả ngắn hạn bằng việc cung cấp các công cụ, nguồn lực và liên kết thị trường cho hộ nông dân nghèo, hướng đến các tác động mang tính lâu dài,” bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện tổ chức World Vision tại Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2016”, phát biểu tại Hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016”, ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam đã khẳng định: “Sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được chào đón ở Hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc cũng như các thương hiệu khác của Central Group Việt Nam (Lan Chi, Nguyễn Kim, Zalora Việt Nam)”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được đào tạo, hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng liên quan khác, được bảo lãnh để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vừa hưởng được lãi suất ưu đãi nhất.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ về marketing, xây dựng thương hiệu, để làm sao sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hợp tác với các ngân hàng để cung cấp các chương trình tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp này”, ông Philippe Broianigo nói thêm.

Có thể nói, "Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016” được tổ chức nhằm mục đích tăng cường liên kết lĩnh vực Công Thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế giữa các tỉnh, thành phố, tập trung vào các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu... nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường hàng năm phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm và Tết Dương lịch, tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang