Gặp gỡ người Tày kiếm được 'vàng' đầu tiên trên Đỉnh Mẫu Sơn

author 19:00 15/03/2017

(VietQ.vn) - Ông Hoàng Văn Tạ (53 tuổi) người dân tộc Tày ở thôn Bản Tẳng đã ngược lên núi cùng bà con người Dao Mẫu Sơn đánh thức tiềm năng mới nơi đây.

Sự kiện: Làm giàu

Nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt biển, núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) lại có dòng suối Khuổi Cấp (xã Mẫu Sơn) luôn duy trì ở nhiệt độ từ 10-15oC được coi là nơi rất lý tưởng để nuôi cá hồi. 

Ông Hoàng Văn Tạ (53 tuổi) người dân tộc Tày ở thôn Bản Tẳng đã ngược lên núi cùng bà con người Dao Mẫu Sơn đánh thức tiềm năng mới nơi đây. Ví von "kiếm được vàng" quả không sai khi từ việc nuôi cá hồi đã làm giàu cho ông Tạ 6 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2007, khi đặt chân đến Mẫu Sơn, nhận thấy khí hậu, môi trường rất giống Đà Lạt và Sapa nên ông Tạ nảy ra ý định mang cá hồi lên đỉnh núi nuôi thử. Nghĩ là làm, tháng 8/2007, ông nhập 800 cá hồi giống nuôi thử. Tuy nhiên, bà con ở địa phương không cho nuôi vì nghĩ rằng đây là “cá ma”.. tới khi được giải thích là loài cá này mang lợi ích cao, được nuôi nhiều ở Nga thì bà con mới đồng ý cộng tác để nuôi thí điểm.

gap-go-nguoi-tay-kiem-duoc-vang-dau-tien-tren-dinh-mau-son
Những ngày đầu (năm 2008) nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh Tiền Phong 

Chỉ sau một năm, đàn cá đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc. Gia đình chị Triệu Thị Hoa ở thôn Khuổi Cấp nhờ nuôi cá mà nhà đã bớt nghèo, bớt khổ.

"Ngày trước, đi trồng ngô trên núi, đi bắt ốc ngoài khe suối không đủ ăn. Nay đã có của ăn, của để. Nuôi lứa cá thứ hai, nhất định sẽ mua chiếc xe máy “con cò” (xe Minck) để đi chợ miền xuôi”, chị chia sẻ với báo Tiền Phong, năm 2008.

Thấy lợi ích của việc nuôi cá hồi, ông Hoàng Văn Tạ tích cực mở rộng cũng như học hỏi nâng cao năng suất. Trước đây, mỗi năm chỉ nuôi một lứa cá hồi, bây giờ nhờ tiến bộ kỹ thuật nên cá mẹ đẻ trứng cho ấp nở 2 lần/năm. Sau một năm nuôi cá thương phẩm đạt từ 1,5 - 2kg/con.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Tạ cho hay, nuôi cá hồi rủi ro rất cao, không cẩn thận là trắng tay. Năm ngoái gia đình ông đã bị chết đi 500kg cá do thời tiết. Các yếu tố quan trọng khi nuôi cá hồi là nước phải lạnh, sạch, lượng oxy cao. Nhiệt độ dưới nước tốt nhất là 12 - 13 độ C, cao nhất là 17 - 18 độ C. Nước được dẫn từ tất cả các khe nước xuống. Cá hồi ít bị dịch bệnh nhưng gặp nước bẩn sẽ chết ngay. Để đảm bảo môi trường nước sạch, ông phải chở hàng xe muối về thả vào bể để sát trùng...

Một bể của ông chứa khoảng 1.000 con cá giống. Trong quá trình nuôi, cá phát triển được 200 - 300 gram thì tách ra 3 bể, lúc cá lớn tách ra 5 bể, mỗi bể nuôi chỉ 200 - 300 con. Mỗi ngày ông cho cá ăn 2 lần, tắm muối và theo dõi nguồn nước, oxy cho sự phát triển của cá. Đây là loài cá nước lạnh nên mùa hè nhiệt độ cao cá dễ chết, do đó phải kiểm tra thường xuyên. Mô hình nuôi cá hồi của ông Tạ đang được nhân rộng, một số bà con nơi đây đã áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao.

gap-go-nguoi-tay-kiem-duoc-vang-dau-tien-tren-dinh-mau-son
Bể cá hồi làm giàu cho gia đình ông Hoàng Văn Tạ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam 

Ngoài nuôi cá hồi, ông Tạ còn kinh doanh nhà hàng trên đỉnh Mẫu Sơn, mỗi ngày bán được khoảng 40kg cá hồi. Vợ ông, bà Hoàng Thị Phượng cho biết: “Du khách đến đỉnh Mẫu Sơn rất chuộng món cá hồi của nhà hàng, bởi cá vừa vớt lên được chế biến luôn nên thịt rất tươi và ngon”.

Ông còn xuất bán cá thương phẩm cho các nhà hàng ở Lạng Sơn và Hà Nội, mỗi năm đạt doanh thu được gần 6 tỷ đồng. 

Hoàng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang