Doanh nghiệp phải thay đổi thói quen và tìm ra những giải pháp thích nghi khi giá điện tăng

author 06:11 16/11/2023

(VietQ.vn) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tối ưu sản xuất, chi phí và nâng cao chất lượng.

Doanh nghiệp đối mặt với việc tăng giá điện

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản với rất nhiều công đoạn từ sơ chế nguyên liệu, chế biến, sấy khô đều phải sử dụng điện. Vì vậy chi phí tiền điện từ tháng tới sẽ tăng hơn là điều không thể tránh khỏi. Để bù đắp khoản chi phí này, doanh nghiệp phải tiết kiệm tối đa các chi phí khác trong chuỗi sản xuất với mục tiêu cuối cùng là không đẩy giá thành sản phẩm tăng lên. Trong trường hợp đã tiết kiệm tối đa mà giá thành vẫn tăng lên thì doanh nghiệp đành chấp nhận bù lỗ để duy trì giá bán bình ổn. Trước đó, để giữ khách hàng và quy mô thị trường, doanh nghiệp đã hoạt động không có lãi.

Đồng ý với quan điểm này, ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất công nghiệp và Thương mại Vít Việt cho biết, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong ngành cơ khí, trung bình chi phí tiền điện khoảng 200 trăm triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh tăng giá điện hai lần trong năm nay sẽ làm gia tăng tiền điện doanh nghiệp phải đóng hàng tháng. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá điện không chỉ dừng lại ở hóa đơn tiền điện mà còn kéo theo rất nhiều chi phí khác từ nguyên liệu, vận chuyển, kho bãi đều tăng. Trong bối cảnh lượng đơn hàng ít ỏi như hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhưng vẫn phải vận hành toàn bộ dây chuyền thì chi phí tăng thêm ở mỗi sản phẩm cũng không nhỏ. Phần lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục giảm bởi việc gia tăng nhiều loại chi phí khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc Công ty Công nghệ Savic, có rất nhiều giải pháp để doanh nghiệp tự thoát khỏi áp lực chi phí bằng cách kiểm soát hiệu quả sử dụng năng lượng và cơ cấu lại các chi phí khác.

“Không thể do tăng giá điện mà nâng giá sản phẩm, bởi đó không phải cách kinh doanh ổn định và bền vững. Muốn vậy các doanh nghiệp phải vận dụng sức sáng tạo, trí tuệ và tính linh hoạt trong quá trình hoạt động, nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị các chi phí đầu vào và gia tăng những giá trị, tiện ích tăng thêm cho khách hàng” – ông Đinh Văn Hưng nói.

Tăng giá điện đi kèm với chất lượng được cải thiện?

Theo đa số các hộ kinh doanh cá thể, người dân, đều cho rằng, giá điện tăng 4,5% đương nhiên sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, sẽ còn nguy cơ hơn nếu để thiếu điện giống như Hè năm nay. Do đó, mong rằng việc tăng giá điện sẽ đi kèm với tăng chất lượng, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Đồng thời kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả, tránh "té nước theo mưa"...

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhận định, việc tăng giá điện có tác động tới doanh nghiệp, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện.

“Điện năng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn mùa khô 2023, Việt Nam đã chứng kiến việc thiếu điện, ngừng cung cấp điện luân phiên, doanh nghiệp gặp khó khi phải dừng sản xuất, không kịp tiến độ trả đơn hàng. Cũng trong thời điểm đó, các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả được tuyên truyền và ứng dụng mạnh mẽ” – ông Vân nói.

Còn theo bà Nguyễn Nguyệt Anh, Giám đốc Công ty Dụng cụ Cơ khí An Mi, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng không gây tác động quá lớn. Giá điện chiếm khoảng 10 - 15% trong cơ cấu giá thành phẩm. Khi giá điện tăng 4,5%, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến 1% và điều này là có thể chấp nhận. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đơn hàng để cung ứng cho đối tác cuối năm. Các sản phẩm cơ khí cần máy móc vận hành liên tục, việc mất điện, cắt điện đột ngột có thể gây ra những thiệt hại trong sản xuất. Vì vậy việc tăng giá nhưng đảm bảo đủ lượng điện cho sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

“Doanh nghiệp hiểu nguyên nhân và những khó khăn khi ngành điện phải tăng giá. Thời gian qua, ngành điện đã có sự đầu tư và thay đổi lớn trong kinh doanh, dịch vụ với khách hàng. Hi vọng rằng, với mức tăng giá này, có thể bù đắp chi phí, giúp đầu tư các công trình, cung ứng điện được ổn định, tốt hơn” – nữ doanh nhân này nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Đệ Khang Phú Thành nêu góc nhìn, doanh nghiệp sản xuất luôn được khuyến khích đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nhưng riêng năng lượng điện thì chỉ có một lựa chọn. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý, song đã đến lúc Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng hơn cho việc đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Với những nỗ lực và sáng tạo, dự kiến các doanh nghiệp sẽ vượt qua thách thức này và đồng thời đóng góp vào mục tiêu quốc gia về năng lượng bền vững và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang