Giả mạo nhãn hiệu Trí Hải, một cơ sở kinh doanh mắm bị xử phạt

author 06:36 09/10/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang vừa kiểm tra, tạm giữ hàng nghìn sản phẩm mắm ruốc, mắm tôm Bắc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Trí Hải.

Tiếp nhận thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ thể quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kiên Giang, Đội QLTT số 1 đã phân công công chức giám sát địa bàn, thẩm tra xác minh thông tin. Theo đó, ngày 4/10/2022, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.N có địa chỉ tại phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện hộ kinh doanh có trưng bày để bán sản phẩm mắm ruốc có gia vị, mắm tôm cao cấp, mắm tôm Bắc nhãn hiệu Trí Hải, tổng số lượng là 3.240 sản phẩm. Đại diện hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Xác định ban đầu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa nói trên. Đồng thời, Đội QLTT số 1 tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh thông tin, bổ sung tài liệu, chứng cứ để đề nghị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Nước mắm giả mạo nhãn hiệu Trí Hải bị thu giữ.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Đội QLTT số 5 cũng kiểm tra đột xuất đối với 2 hộ kinh doanh trên địa bàn chợ Vĩnh Thuận, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Hai hộ này đang trưng bày để bán sản phẩm mắm ruốc, mắm tôm Bắc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Trí Hải. Hiện vụ việc cũng đang được Đội QLTT số 5 thu thập thông tin, củng cố hồ sơ làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua các vụ việc trên, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang khuyến cáo cơ sở kinh doanh thực phẩm không vì lợi ích trước mắt mà kinh doanh các sản phẩm thực phẩm giả mạo nhãn hiệu. Việc này sẽ tiếp tay cho đối tượng sản xuất thực phẩm giả mạo nhãn hiệu. Thực tế, các sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá về chất lượng, mức độ an toàn. Những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sử dụng. Hơn nữa, những sản phẩm giả mạo sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm chân chính.

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là gì?

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ. Theo đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hành vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự; Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng. 

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Xử phạt hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Hiện nay, pháp luật nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 1.000.000 đến 100.000.0000 đồng tuỳ vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật. Cụ thể như sau:

Mức phạt tiền Trường hợp giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật Trường hợp thu lợi bất hợp pháp
Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng Dưới 3.000.000 đồng Dưới 5.000.000 đồng
Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng Từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng Từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng Từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng Từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng Từ 30.000.000 đồng trở lên(không bị truy cứu trách nhiệm hình sự)

Trong một số trường hợp, vi phạm cụ thể có thể bị phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định.

Liên quan đến việc đảm bảo chất lượng nước mắm, TCVN 5107:2018 là bộ tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm này. Tiêu chuẩn bao gồm những tiêu chí, tiêu chuẩn khác đi kèm: TCVN 3701:2009, Thuỷ sản và sản phẩm thủy sản – Xác định hàm lượng natri clorua; TCVN 3705:1990, Thuỷ sản – Phương pháp xác định hàm lượng nitơ tổng số và protein thô; TCVN 3706:1990, Thuỷ sản – Phương pháp xác định hàm lượng nitơ amoniac; TCVN 3707:1990, Thuỷ sản – Phương pháp xác định hàm lượng nitơ amin amoniac; TCVN 3974:2015 (COD), Revised 2012), Muối thực phẩm; TCVN 5276:1990, Thủy sản – Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu; TCVN 7968:2008 (COD), Amd. 1-2001), Đường; TCVN 8336:2010, Chượp chín; AOAC 981.12, pH of acidified foods (pH của thực phẩm axit hóa).

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang