Giá nhà ở TP.HCM đắt đỏ: HoREA lý giải nguyên nhân và kiến nghị giải pháp

authorĐỗ Thu Thoan 06:02 27/07/2017

(VietQ.vn) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, tiền sử dụng đất là một “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, gánh nặng của người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà ở TP.HCM.

Sự kiện: Bất động sản

Ngày 26/7, Đoàn làm việc của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi lấy ý kiến về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 tại HoREA, dẫn thông tin Zing đăng tải.

HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất là một "điểm nghẽn" của thị trường bất động sản, là "gánh nặng" của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải "gánh chịu" khi mua nhà.

Khoản thu này không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư. Đồng thời là môi trường dễ phát sinh tiêu cực và tạo ra cơ chế "xin - cho". Theo hiệp hội, đó là nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao và người mua nhà phải gánh chịu.

Vì vậy, theo Zing, để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, HoREA kiến nghị thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho" với 2 phương án sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất.

gia-nha-o-tphcm-dat-do-horea-ly-giai-nguyen-nhan-va-kien-nghi-giai-phap

HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất là một 'điểm nghẽn' của thị trường bất động sản. Ảnh: Zing

Phương án thứ nhất HoREA đề nghị cần coi đây là 1 sắc thuế như đề xuất của trước đó UBND TP.HCM. Nghĩa là, về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất”, thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Theo HoREA, điều này vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế "xin - cho.

Phương án thứ hai, HoREA cho rằng nên giao cho Sở Tài chính là đầu mối chủ trì toàn bộ công tác thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất; chuẩn bị nội dung trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét quyết định giá đất cụ thể để xác định tiền sử dụng đất dự án.

Đặc biệt, HoREA đề nghị bãi bỏ cơ chế đấu thầu chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất hiện nay chỉ chọn đơn vị chào thầu với giá thấp nhất được trúng thầu. Đồng thời, việc cần làm là thay thế bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi nhưng với tiêu chí chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu, chứ không phải chọn đơn vị có giá thấp nhất.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đưa ra nhiều kiến nghị khác trong đó có kiến nghị cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án, Zing thông tin.

Ở một diến biến khác, trước đó, theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 22/7, UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 30 điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở 17 nhóm tuyến đường thuộc các huyện như quận 2,6, 9, 10, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ. 

Quyết định 30/2017/QĐ-UBND có hiệu lực ngày 1/8/2017 và sửa đổi bảng giá đất được ban hành kèm theo Quyết định số 51/2014 ngày 31/12/2014 của UBND TP ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM áp dụng từ ngày 1/1/1015 đến 31/12/2019.

Cụ thể quận 2 nhóm tuyến đường thay đổi là Nguyễn Thị Định, đường Song Hành, Võ Chí Công (từ cầu Bà Cua đến cầu Phú Mỹ)... Huyện Cần Giờ là đường Nguyễn Văn Mạnh (đoạn từ Duyên Hải - ngã ba Ông Thử đến Duyên Hải - ngã ba Ông Út). Ở huyện Bình Chánh là đường Võ Trần Chí (từ nút giao thông chợ Đệm đến Nguyễn Văn Linh (nút giao thông Bình Thuận)...

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang