Giải mã hiện tượng thay tên đổi họ để tăng giá sữa

author 06:15 09/07/2014

(VietQ.vn) – Lãnh đạo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định sẽ vào cuộc cùng cơ quan chức năng xem xét cặn kẽ và sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay nếu doanh nghiệp thay tên đổi họ sản phẩm sữa rồi tăng giá bất hợp lý.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Giá sữa bột trẻ em vẫn ở mức cao

Giá sữa bột trẻ em vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa

Trả lời các câu hỏi của báo giới trong Họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính vào chiều qua 8/7/2014, lãnh đạo Cục Quản lý giá đã đưa ra những nhận định thẳng thắn trước phản ánh của dư luận về việc các doanh nghiệp thay đổi trọng lượng, chất lượng, bao bì, nhãn mác, thậm chí là thay tên, đổi họ sản phẩm sữa, biến thành các sản phẩm bổ sung để bán cho trẻ dưới 6 tuổi dùng với giá cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lí giá - Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề sữa có tác động trực tiếp đến người dân. Tính đến ngày 10/6, theo quyết định 1076 Bộ Tài chính, Bộ này đã tiếp nhận 141 sản phẩm đăng ký giá, trên cơ sở giá khuyến nghị. Việc thay đổi mẫu mã bao bì là quyền của doanh nghiệp nhưng có thể quản lí được. Đặc biệt đối với dòng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính khẳng định có thể quản lí mặt hàng này.

Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, ngày 26/6 tại một số tỉnh miền Trung, ngày 3/7 kiểm tra tại TP. HCM và khu vực phía Nam. Qua kiểm tra chưa phát hiện sai giá trần hay việc thay đổi chất lượng, trọng lượng và bao bì. Đối với 141 sản phẩm công bố giá, chưa ghi nhận việc thay đổi bao bì ở các dòng sản phẩm đã đăng ký này. Có thể theo quy định phân loại của Bộ Y tế thì những sản phẩm “rút ruột, đổi vỏ, tăng giá” đó không thuộc danh mục này.

Liên quan đến các sản phẩm Enfamil A+2 (900g) và Enfamil A+2 – 3600 Brain Plus (900g) của Công ty TNHH Mead Johnson có giá khác thường, đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho rằng, hai sản phẩm này hoàn toàn khác nhau thể hiện ở chất lượng, chỉ tiêu về hàm lượng của mỗi sản phẩm nên không thể khẳng định 02 sản phẩm trên là tương đương nhau.

Hiện hai sản phẩm  Enfamil A+2 (900g) và Enfamil A+2 - 3600 Brain Plus (900g) đang cùng lưu hành trên thị trường, theo đại diện cơ quan quản lý giá, người tiêu dùng nên căn cứ vào nhu cầu, khả năng tài chính và khẩu vị của con trẻ để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Cũng liên quan đến các sản phẩm có dấu hiệu thay đổi về chất lượng ở dạng sản phẩm chức năng cho trẻ em nhưng không gọi là sữa mà có tên gọi như "bổ sung vi chất". Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những mặt hàng này không nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Bộ Y tế, nên doanh nghiệp không phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Nhưng để ổn định thị trường, Cục Quản lý giá sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để "giải mã" các mặt hàng đó. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương và các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng sữa bình ổn giá đang bán trên thị trường, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Người tiêu dùng lo ngại doanh nghiệp thay tên đổi họ sản phẩm sữa để bán giá cao

Người tiêu dùng lo ngại doanh nghiệp thay tên đổi họ sản phẩm sữa để bán giá cao. Ảnh minh họa

Trước đó, tại hội nghị Hội nghị Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014 và dự kiến chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2014 do Cục Quản lý Giá tổ chức, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, một trong những nhiệm vụ mà Cục giá đã hoàn thành xuất sắc trong 6 tháng qua đó là công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, trong đó có giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.

Theo đó, thực hiện Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ, Cục QLG đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ để tham mưu cho Bộ ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đồng thời ban hành Công văn số 6544/BTC-QLG gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi để hướng dẫn thực hiện bình ổn giá.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã thống nhất và đã ban hành mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; hướng dẫn việc xác định giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi ngoài 25 sản phẩm sữa trên; hướng dẫn việc xác định giá bán lẻ tối đa bảo đảm cao hơn không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn và thấp hơn giá bán trên thị trường trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Đến nay, tại nhiều địa phương, giá bán sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cơ bản thấp hơn giá trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá từ 0,3% - 26,37%. Kết quả này cho thấy các biện pháp bình ổn giá đã đạt được hiệu quả bước đầu tích cực.

 

 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang