Giải pháp đột phá đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản giữa đại dịch

author 13:46 17/08/2021

(VietQ.vn) - Những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Giải pháp đột phá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được ngành nông nghiệp xác định là mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường cũng như tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cho nông sản Việt Nam vẫn được ngành nông nghiệp cùng các đơn vị triển khai với nhiều hình thức linh hoạt. Điều này đã góp phần đưa nông sản Việt tiếp tục được mở rộng trên thế giới và là điểm sáng với giá trị xuất siêu ấn tượng 3,9 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Trong đó, ấn tượng nhất có thể kể đến là Việt Nam đã mở cửa được quả vải sang thị trường Nhật Bản. Với những nỗ lực trong đàm phán và cam kết thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn mà phía bạn yêu cầu, vụ vải vừa qua, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam giám sát cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, công nhận thêm các cơ sở được phép xử lý quả vải. Do dịch Covid-19 nên năm nay doanh nghiệp còn thiếu hàng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng 10 lần so với năm ngoái.

Giải pháp đột phá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản là mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng… Ảnh minh họa. 

Không chỉ quả vải, Cục Bảo vệ thực vật cũng tiến hành đàm phán với Malaysia về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để khôi phục lại xuất khẩu ớt. Đặc biệt, Cục đã giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến xuất khẩu quả tươi và thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là vải thiều và khoai lang.

Với sản phẩm chăn nuôi, Cục Thú y cũng tích cực hỗ trợ để có thêm các nhà máy được xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa, các doanh nghiệp sản xuất lông vũ, bột cá và dầu cá sang Trung Quốc; xúc tiến xuất khẩu tổ yến; hoàn thiện hồ sơ và đã được chấp thuận xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nga. Ngoài ra, đơn vị cũng trao đổi, đàm phán mở cửa thị trường cho động vật, sản phẩm động vật khác với một số nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, các đơn vị chức năng đã rất tích cực đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Giải pháp đột phá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được ngành nông nghiệp xác định là mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong thời gian tới, ngành tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...

Đối với thị trường Trung Quốc, đơn vị chuyên môn sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng xuất khẩu như: khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa... Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn để giải quyết khó khăn giao thương, thông quan, kiểm dịch…; đàm phán mở rộng danh sách doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc.

Cùng với những giải pháp kỹ thuật, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, ASC… Hay việc phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông sản tại các thị trường để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đáp ứng kịp thời. Từ đó tạo thuận lợi cho khâu xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt Nam tiếp tục vươn xa dù trong dịch bệnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang