'Giám đốc mang quan tài phản đối ngân hàng': Kê biên nhưng cho kinh doanh

author 07:06 08/01/2016

Năm 2012, khi cưỡng chế, cơ quan chức năng phát hiện khách sạn Long Thành chỉ được phép xây dựng 7 tầng nhưng thực tế có 10 tầng.

Sáng 7-1, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Khánh Hòa phối hợp cơ quan chức năng cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thi hành án là khách sạn Long Thành (đường Ngô Sĩ Liên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) của bà Đào Thị Long, Giám đốc DNTN Du lịch Long Thành (người đem quan tài đặt trước chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Nam Á vào ngày 5-1 mà Báo Người Lao Động phản ánh).

Lực lượng chức năng đọc quyết định cưỡng chế kê biên khách sạn Long Thành

Bà Long cho biết không có ý định chống đối cưỡng chế, kê biên, chỉ mong chậm cưỡng chế để bán khách sạn trả nợ. Theo ông Nguyễn Hữu Anh, Cục phó Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Khánh Hòa, dự định ban đầu là việc cưỡng chế, kê biên sẽ diễn ra giản đơn nhưng vì bà Long mang quan tài đến ngân hàng nên phải tăng cường lực lượng. Sau khi cưỡng chế, kê biên vẫn giao bà Long quản lý, khai thác, sử dụng khách sạn trên. Trong 5 ngày, ngân hàng và bà Long thỏa thuận về giá, không thỏa thuận được thì sau đó cơ quan thi hành án mới thuê trung tâm thẩm định giá, gửi kết quả đến bà Long. Bà Long được quyền khiếu nại về giá đó và yêu cầu thẩm định lại một lần nữa. Thẩm định xong mới đưa sang trung tâm bán đấu giá để tiến hành các thủ tục bán đấu giá. “Trước đấu giá một ngày, bà Long có quyền mang tiền đến chuộc. Trong thời gian này, bà Long có quyền tìm các khách hàng để bán tài sản, miễn ngân hàng chấp nhận, xác nhận đã thi hành án xong và đề nghị qua cơ quan thi hành án giải tỏa kê biên” - ông Anh nói.

Theo Ngân hàng Nam Á, bà Long vay ngân hàng này 6,9 tỉ đồng, thế chấp bằng khách sạn Long Thành. Tháng 9-2015, ngân hàng chấp thuận miễn 5,4 tỉ đồng lãi quá hạn và lãi phạt, chỉ thu 6,7 tỉ đồng gốc và 2,5 tỉ đồng lãi. Sau khi bà Long nợ quá hạn, ngân hàng khởi kiện. Ngày 29/10/2012, cơ quan thi hành án ký quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản đối với khách sạn Long Thành. Ông Nguyễn Hữu Anh cho biết năm 2012, khi cưỡng chế, kê biên, cơ quan thi hành án phát hiện trong giấy phép, khách sạn này chỉ được xây dựng 7 tầng nhưng thực tế là 10 tầng. “Lẽ ra năm 2008, TP Nha Trang phải tháo dỡ 3 tầng xây trái phép này nhưng không làm. Khách sạn đi vào kinh doanh rồi thì cơ quan thi hành án xuống kê biên mới phát hiện, báo UBND tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm UBND TP Nha Trang” - ông Anh thông tin. Ngày 27-2-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản cho phép khách sạn Long Thành tồn tại 10 tầng, chủ đầu tư chỉ bị xử phạt số diện tích vượt giấy phép.

Theo bà Long, sự việc lẽ ra không kéo dài vì năm 2013, bà ký hợp đồng bán khách sạn này cho Công ty CP Du lịch quốc tế Hồng Ngọc (Công ty Hồng Ngọc, do ông Ngô Phi Hùng làm giám đốc) với giá 13,5 tỉ đồng, dư trả nợ ngân hàng. Hợp đồng có điều khoản bên mua sẽ chuyển vào tài khoản (Ngân hàng Nam Á đang phong tỏa) của bà Long tại Ngân hàng Nam Á 13,5 tỉ đồng bảo lãnh khoản nợ của bà với ngân hàng để làm thủ tục mua bán khách sạn và trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng không tạo điều kiện nên Công ty Hồng Ngọc rút lại tiền và không mua. Ngân hàng giới thiệu một khách mua khác nhưng mua giá rẻ hơn nên bà Long không bán.

Ông Hùng cũng cho biết đã gửi tiền vào ngân hàng, bảo lãnh khoản nợ của bà Long để thực hiện thủ tục mua bán khách sạn nhưng không được ngân hàng tạo điều kiện. “Ngân hàng bảo chỉ xiết nợ, không biết thủ tục mua bán của chúng tôi thế nào. Ngân hàng đã cầm sổ đỏ của khách sạn đó, muốn thu hồi nợ thì phải làm trọng tài chứng nhận cho tôi để mua khách sạn ấy nhưng họ không chịu. Nếu tạo điều kiện thì tôi mua khách sạn Long Thành từ lâu rồi” - ông Hùng nói.

Giải thích về điều này, ông Quang Nhựt Tiến, Giám đốc Chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Nam Á, nói: “Ngân hàng cho vay, thu hồi nợ khi khách hàng trả tiền cho chúng tôi chứ không phải thông qua một người nào để đi giao dịch trả nợ”.

Theo NLĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang