Giảm lượng đường đơn trong chế độ ăn có thể cải thiện được trào ngược dạ dày

author 13:56 31/10/2022

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu của Mỹ, việc giảm lượng đường đơn trong chế độ ăn có thể cải thiện diễn biến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Theo Very Well Health, không phải tất cả loại carbohydrate đều giống nhau. Đường đơn đến từ các thực phẩm tinh bột có thành phần chủ yếu là đường, có thể nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu.

Thực phẩm chứa đường đơn thường thiếu chất xơ hoặc các vitamin và khoáng chất khác có chức năng hỗ trợ tiêu hóa. Một số ví dụ về thực phẩm chứa đường đơn là kẹo, thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt…

Mặt khác, các loại carb phức hợp cũng làm tăng lượng đường trong máu nhưng với tốc độ chậm và thường chứa chất xơ cũng như các chất dinh dưỡng hỗ trợ tiêu hóa. Các loại tinh bột này có thể bao gồm đậu, bánh mỳ nguyên cám, rau củ...

Hạn chế ăn đường đơn có thể cải thiện được diễn biến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh minh họa 

Mặc dù những thực phẩm này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên chúng lại không tốt cho những người mắc trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc giảm lượng đường đơn trong chế độ ăn có thể cải thiện diễn biến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Vanderbilt (Mỹ). Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của carbohydrate (tinh bột) tới tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thông qua thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.

Kết quả cho thấy việc giảm tiêu thụ các loại đường đơn đến từ một số thực phẩm như bánh mỳ trắng, bánh quy… có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của biểu hiện ợ nóng và các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài đường, những người mắc trào ngược dạ dày thực quản cần tránh các loại thực phẩm khác như trái cây họ cam quýt, chocolate, nước sốt cà chua…

Tuy nhiên, TS Heidi Silver, giảng viên y khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cũng là tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng những người bị trào ngược dạ dày thực quản không cần phải từ bỏ hoàn toàn các loại đường đơn.

Vị chuyên gia khẳng định: “Thay vì loại bỏ hoàn toàn, giảm lượng đường đơn thông qua chế độ ăn là cách tiếp cận hợp lý và thực tế hơn”.

Trong chế độ ăn uống điển hình của người dân hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng đường đơn được hấp thụ là tương đối cao - trung bình khoảng 140 g/ngày.

Trong khi đó, những người tham gia nghiên cứu nhận thấy sự cải thiện đáng kể các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản của họ khi chủ động giảm lượng đường đơn tiêu thụ khoảng 62 g/ngày.

Dù vậy, chúng ta vẫn cần có thêm các nghiên cứu khác để hiểu chính xác lý do việc giảm lượng đường đơn giản có thể cải thiện trào ngược dạ dày thực quản. Hiện nay, các chuyên gia suy đoán rằng các loại tinh bột chứa đường đơn khó tiêu hóa, dẫn đến việc làm rỗng dạ dày chậm lại và gây áp lực nhiều hơn lên các cơ giữa dạ dày và thực quản còn gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES).

Bà Amy Bragagnini, chuyên gia dinh dưỡng về ung thư tại Trinity Health Lacks Cancer, cho biết: “Nếu không có đúng loại vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa, lượng carbohydrate chứa đường đơn nạp vào sẽ không được tiêu hóa đầy đủ hoặc đúng cách. Về cơ bản, chúng có thể tạo ra khí và bong bóng trong hệ tiêu hóa”.

Bragagnini cho biết thêm, khí có thể sủi bọt và làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn.

Rena Yadlapati, bác sĩ tiêu hóa và Giám đốc Trung tâm Bệnh thực quản tại Đại học California, San Diego, cho rằng việc kiêng tất cả loại thực phẩm chứa đường đơn có thể làm diễn biến bệnh trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng hơn do suy giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế các khuyến nghị về chế độ ăn kiêng với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản thường tập trung vào việc tránh các loại thực phẩm có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm áp lực lên LES.

Yadlapati nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tập trung vào tổng quan bữa ăn và thời gian ăn hơn là loại bỏ toàn bộ thực phẩm có nguy cơ.

Các bữa chính thường mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, đồng thời tạo áp lực lên LES. Do đó, nguy cơ trào ngược dạ dày cũng lớn hơn. Ngược lại, một khẩu phần nhỏ có thể giúp quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột non nhanh hơn.

Mặt khác, ăn quá khuya cũng có thể làm các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản trầm trọng hơn do chúng ta nằm ngủ ở tư thế gây dễ gây trào ngược khi thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn.

Từ đây, Yadlapati khuyến khích bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không ăn trong ít nhất 3 giờ trước khi ngủ. Tóm lại, giảm lượng đường đơn trong chế độ ăn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải cắt bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm này ngay lập tức.

Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên trao đổi với bác sĩ về cách cắt giảm một cách hợp lý lượng lượng đường đơn nhưng vẫn có thể ăn những món yêu thích.

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp là ợ hơi, ợ chua, đau rát vùng thượng vị, khó nuốt, khó chịu ở ngực, cổ nóng rát, có những cơn co thắt dạ dày, cảm thấy có chất lỏng đắng chảy lên miệng,... Nếu dịch dạ dày nhỏ vào đường thở, bệnh nhân có thể bị khàn giọng, mất giọng, ho, thậm chí khó thở.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: Ăn một số loại thực phẩm nhất định làm các cơ thực quản dưới giãn ra gây trào ngược; hoặc biến chứng của tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính hay mạn tính.

Trào ngược dạ dày có thể dẫn tới những biến chứng khó lường như: Viêm thực quản mạn tính, ung thư thực quản (biến chứng nguy hiểm nhất), u thực quản và mất giọng,... Vì vậy, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị tích cực là phương pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày, tránh nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang