Giảm phiền hà, tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính

author 06:47 13/04/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng giới chuyên gia đánh giá xu hướng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nặng tính hình thức, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục vẫn tiếp diễn...

Thời gian qua, Chính phủ luôn xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách kinh tế. Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP (giai đoạn năm 2014 - 2018), Nghị quyết 02/NQ-CP (giai đoạn 2019 - 2022) và mới đây nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP 2023 yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, số quy định, điều kiện kinh doanh cũng được cắt giảm đáng kể, riêng trong năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; gần 4.400/6.502 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đạt hơn 67%,... Hơn nữa, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh của chúng ta đã có những bước cải thiện đáng kể, hấp dẫn các nguồn vốn chất lượng.

Tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng giới chuyên gia đánh giá xu hướng cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nặng tính hình thức, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục vẫn tiếp diễn.

Dẫn chứng là mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022. Trong đó, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021).

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

“Tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ. Bên cạnh đó, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn”, ông Phạm Tấn Công chỉ rõ.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đối diện nhiều thách thức như hiện nay chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng. Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang