Giảm thuế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế

author 08:18 01/07/2023

Trả lời phỏng vấn của PV xung quanh việc Quốc hội chính thức đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế năm 2023.

PV: Quốc hội vừa thống nhất giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2023 đối với phần lớn nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Theo bà, việc giảm thuế GTGT 2% có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi đánh giá rất cao chính sách giảm 2% thuế GTGT mà Quốc hội vừa thống nhất thông qua. Chính sách này đã được thực hiện từ năm 2022, đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song các DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng DN giải thể và số lượng DN cho người lao động nghỉ việc rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam 

Bên cạnh các DN gặp nhiều khó khăn thì tình hình các nước xung quanh khu vực và cả nước lân cận đang chuẩn bị áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024, cũng có tác động đến việc cân nhắc của các DN đầu tư tại Việt Nam...

Rõ ràng một trong những giải pháp để giúp DN vượt qua khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh chính là hướng đến giải pháp về thuế và các chính sách khác. Vì vậy, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% đối với một số sản phẩm hàng hoá. Đây thực sự là một huých rất quan trọng giúp DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất phát triển. Tôi cho rằng, đây là sự chia sẻ rất lớn của Chính phủ, của Quốc hội với cộng đồng DN, người dân.

Khi thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2%, tương ứng giảm thu ngân sách khoảng từ 24.000 - 25.000 tỷ đồng. Rõ ràng nếu như có số tiền này thì ngân sách nhà nước sẽ dùng cho những khoản chi tiêu khác như phục vụ an sinh xã hội, tuy nhiên khi giảm thuế, sẽ giảm chi tương ứng, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ. Song để chung tay đồng hành, sẻ chia cùng DN, Quốc hội vẫn quyết định chọn phương án giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN vượt qua thời khắc khó khăn hiện nay.

PV: Việc giảm thuế sẽ có tác động như thế nào đến người dân, DN và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Về nguyên tắc, thuế GTGT được cấu thành trong giá bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Việc giảm thuế GTGT 2% có nghĩa giá bán đó sẽ được giảm đi tương ứng với phần thuế giảm, khi thuế giảm thì chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cũng giảm theo. Theo đó, DN sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn, khi bán sản phẩm nhiều hơn có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tạo thêm doanh thu, bản thân DN sẽ vượt qua khó khăn để giúp phục hồi, phát triển.

Nhìn từ góc độ của DN, có thể nhận thấy, đầu ra của DN này, sẽ là đầu vào của DN khác cứ như vậy tạo ra một vòng tuần hoàn, theo đó sẽ có nhiều hàng hóa được giảm giá thành hơn.

Còn đối với người dân, rõ ràng thuế GTGT nằm trong giá bán của sản phẩm, khi giảm thuế, sản phẩm đó sẽ được giảm giá bán, theo đó cùng một lượng tiền người dân sẽ mua thêm được nhiều hàng hóa hơn, đây cũng là một biện pháp kích cầu tiêu dùng.

Tôi cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT là "một viên đạn bắn trúng nhiều mục tiêu". Tuy nhiên, bên cạnh sự sẻ chia của Quốc hội, Chính phủ, bản thân các DN, doanh nhân cũng cần phải nỗ lực cùng với nhà nước để vượt qua khó khăn.

PV: Theo bà, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có giải pháp gì để bù đắp những khoản thu sụt giảm để cân đối ngân sách?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí chắc chắn sẽ tác động đến giảm thu ngân sách, trong khi đó, niên độ của chính sách tài khóa thì không được giảm thu. Điều này buộc Bộ Tài chính và ngành Thuế phải có những chỉ đạo sát sao hơn trong điều hành thu ngân sách.

Để giảm thiểu những tác động bất lợi đến tiến độ và kết quả thu ngân sách trong bối cảnh nhiều nguồn thu đang có sự sụt giảm, ngành Thuế cần tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…

Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý rủi ro trong những lĩnh vực còn dư địa thu thuế như các lĩnh vực về quản lý bất động sản, bao gồm cả chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân và vấn đề cho thuê nhà của các hộ cá nhân kinh doanh...

Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kỹ thuật số, bước đầu chúng ta đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, các tổ chức, đặc biệt là cá nhân có thu nhập trên nền tảng mạng xã hội như: youtube hoặc cá nhân làm dịch vụ cho người nước ngoài với thu nhập rất lớn, nhưng số tiền thuế thu được từ những đối tượng người nộp thuế này còn chưa tương xứng với tiềm năng và thu nhập.

Theo đó, ngành Thuế cần tăng cường quản lý thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao như: thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hợp thức hoá hàng nhập lậu, trốn thuế…

PV: Xin cảm ơn bà!

Thu ngân sách năm 2023 dự kiến giảm khoảng 24.000 tỷ đồng

Theo tính toán, dự kiến việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm khoảng 24.000 tỷ đồng. Việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách nhà nước đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Theo Thời báo tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang