Giáo sư Võ Tòng Xuân: Không đâu tuyển sinh lạ lùng như ở Việt Nam

author 14:55 21/08/2015

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết không ở đâu có kiểu tuyển sinh kỳ lạ như ở Việt Nam. Thời gian tuyển sinh 3 tháng và bó buộc thí sinh chỉ được chọn trường không được chọn nghề.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Ngày cuối cùng xét tuyển nguyện vọng 1, biết bao nhiêu thí sinh và phụ huynh phải bật khóc vì bất lực, không được chọn ngành, nghề mà mình yêu thích. Biết bao nhiêu phụ huynh phải bỏ công việc, chạy như đèn cù để nộp, rút hồ sơ xét tuyển cho con. 

Các trường đại học làm việc đến tận khuya để phục vụ bằng hết các thí sinh đến làm thủ tục. Nhiều người ví đây là một trận chiến không có kẻ địch, vỡ trận, là sàn chứng khoán.... 

Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với GS Võ Tòng Xuân về "trận đánh" vô tiền khoáng hậu này.

Thưa giáo sư, dư luận mấy ngày qua rất bức xúc nói về cuộc chạy đua nước rút nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào các trường đại học. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã bộc lộ nhiều nhược điểm của nó. Xin giáo sư cho biết ý kiến của mình về kỳ thi và những gì đang diễn ra ở các trường đại học như những ngày qua?

 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Với mục tiêu đổi mới toàn diện ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước đi quyết liệt đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam. Bước đầu đổi mới là chọn khâu tuyển sinh. Nước Việt Nam là nước kỳ lạ lắm, vì vào đại học là cái gì đó rất quan trọng nên cả gia đình, cả xã hội đều rất quan tâm tới vấn đề này. 

Từ đầu tới giờ chúng ta quan trọng hóa vấn đề vào đại học và cao đẳng làm cho cả xã hội căng thẳng. Chúng ta đã thấy vấn đề thi cử từ lãnh đạo xuống người dân, thậm chí anh lái xe, ai cũng căng thẳng.

Thời gian thi cử gây nhiều phiền phức tốn kém cho nhà nước và phụ huynh, cho các trường đại học cao đẳng, nhưng cuối cùng học sinh không được vào trường đúng theo nguyện vọng của họ vì học sinh đều coi chỗ nào tỷ lệ chọi ít hơn là đăng ký! Do đó các trường tuyển người không hoàn toàn đúng nguyện vọng. 

Theo giáo sư, kỳ thi này có thực sự đúng với nguyện vọng ban đầu các nhà làm giáo dục không? Nó thể hiện những hạn chế như thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Theo dõi kỳ thi từ hơn một tháng nay, chúng ta không muốn kỳ thi trở thành gánh nặng của xã hội nhưng thực tế, kỳ thi THPT quốc gia rất căng thẳng, gây go và bất ổn, bắt đầu từ khi có điểm thi đến xét tuyển. 

Khi có điểm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ hết và quy định thí sinh chỉ được nộp hồ sơ xét tuyển vào 1 trường nhưng lại cho thí sinh chọn 4 ngành. 

Về diễn biến, chúng ta thấy khi Bộ tập trung hết các điểm thi của thí sinh ở trong tay của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, không cho trường công bố. Trong khi đó phần mềm chưa thông suốt, mạng nghẽn. Mấy trăm trường đại học, cao đẳng vì thế mà bị nghẽn mạng theo. 

Theo tôi thay vì cho thí sinh chọn 4 ngành/ 1 trường hãy cho thí sinh chọn 1 ngành/ 4 trường. Bởi học sinh có hoài bão, lý tưởng muốn theo một nghề nào đó nhưng lại ép thí sinh chọn trường. Đây là khuyết điểm lớn nhất của cuộc thi này: Dập tắt hoài bão của các em học sinh.

Trong khi 1 trường phát cho thí sinh nộp hồ sơ 4 ngành trong cùng trường. Tên 1 thí sinh xuất hiện 4 lần đã gây ra hiện tượng hồ sơ ảo. 

Khi thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 kéo dài 20 ngày, điểm sàn thay đổi liên tục làm cho tất cả học sinh và phụ huynh lo lắng, tốn kém đi lại. 

Tôi thấy cách làm này rất phản khoa học. Các thí sinh tiêu tan hết mơ ước của các cháu. Các trường đại học cũng gặp khó khăn. 

Đó là chưa kể ở các vùng sâu, vùng xa người dân không có mạng internet và các phương tiện để truy cập internet thì họ sẽ phải làm sao? 

Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá chủ quan, khâu chuẩn bị chưa kỹ nên dẫn đến những cảnh trường top dưới đìu hiu, trường top trên chen chúc như sàn chứng khoán. 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi thấy chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thông suốt về tâm lý của xã hội. Vì họ muốn tập trung số điểm trong tay của họ vì họ sợ trước đó các trường top dưới mua danh sách của thí sinh để gửi thư mời thí sinh nhập học. Họ biết nếu để sàn bằng với nhau thì thí sinh chỉ chọn trường top nên bộ cấm không cho danh sách đó ra ngoài. Làm cho giờ chót, tới ngày cuối thí sinh cũng không biết mình đỗ hay rớt.

Ngày trước tuyển sinh trong vòng 1 tháng, giờ nguyện vọng 1 là 20 ngày, bổ sung thêm 15 ngày và thời gian tuyển sinh đến cuối tháng 10 mới xong. Tôi không thấy ở đâu lạ lùng đến thế: 3 tháng trời tuyển sinh, dành ¼ của năm học để tuyển sinh. Lẽ ra mình nên làm 1 tháng là tốt nhất. Ở các nước họ làm có vài ngày là xong.
Giáo sư có thể đưa ra một số phương pháp tuyển sinh ưu việt mà nước ngoài họ đã thực hiện mang lại hiệu quả cao, giúp được học sinh chọn ngành mình yêu thích, giảm chi phí cho xã hội; gia đình học sinh cũng không rơi vào cảnh như những ngày vừa qua?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi chỉ lấy đơn giản câu chuyện tuyển sinh của nước Mỹ. Các học sinh trung học học xong được cấp giấy chứng chỉ hết chương trình THPT. Học sinh sẽ lấy chứng chỉ đó đến các trung tâm khảo thí, thi thêm một lần nữa để có một phiếu điểm, các điểm đó theo các môn học trong đại học. Thí sinh có thể phô tô ra 10 phiếu điểm nộp vào 10 trường đại học theo 1 ngành thí sinh đó thích.

Nếu được 1 trường học 1 trường; được 2, 3 trường thì học sinh ấy sẽ chọn cho mình trường nào ít tốn kém nhất cho mình sau đó học sinh sẽ viết thư cho các trường kia xin rút không học nữa. Nhờ thế, nhà nước và bản thân gia đình ít tốn kém. Học sinh nhàn, không căng thẳng. Cha mẹ học sinh không phải đi chầu chực như mình thấy ở nước ta hiện nay.

Thực hiện được phương pháp này rất dễ, như tôi nói ở trên, chúng ta không tổ chức thi mà xét 12 năm học để cấp chứng chỉ cho học sinh làm giống như Mỹ. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể lập các trung tâm khảo thí ở một trường đại học nào đó trên các vùng của Việt Nam. Một năm cho thi 2 đến 4 lần. Lần đầu điểm xấu học sinh về học tiếp để thi nữa. Nếu học sinh thi được rồi có phiếu điểm, thí sinh muốn nộp vào 10 trường thí sinh sẽ phô tô ra 10 bản đi nộp và hãy cho thí sinh chọn ngành mình thích. Điều ấy vừa phát huy được sở trương của các học sinh mà đỡ vất vả cho cả xã hội.

Bây giờ mình muốn đơn giản hóa, bớt tốn kém cho xã hội, gia đình, nhà nước, các trường đại học; Muốn các trường phải tuyển được những người học sinh giỏi, tâm huyết với nghề để đào tạo cho đúng nhân tài của đất nước thì phải thay đổi cách tuyển sinh. 

Khi thay đổi cách tuyển sinh thì các nhà khoa học, nhà giáo ngồi bàn lại với nhau và sau đó đã thay đổi, căn cứ trên tâm lý của người dân, học sinh muốn vào đại học để thực hiện hoài bão, mơ ước muốn trở thành một người thầy giáo, kỹ sư, chuyên viên nông nghiệp, công nghệ thông tin thì làm thế nào?

Theo tôi, dứt khoát phải bỏ 3 chung và kỳ thi THPT quốc gia. Thay vào đó là mình xét xem từ năm lớp 1 đến lớp 12 thí sinh không có môn nào rớt thì cho học sinh giấy chứng nhận đã học xong cấp 3. Học sinh dùng cái đó để đăng ký thi tại một trung tâm khảo thí hợp pháp, được công nhận.

GS Võ Tòng Xuân

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang