Giữ nhịp tăng trưởng, xây tổ đón 'đại bàng'

author 06:30 21/01/2023

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia dự báo, năm 2023, dù đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ giữ nhịp tăng trưởng, sẵn sàng đón “đại bàng”..

Một năm “không bình thường”

Sau 2 năm ngụp lặn vì tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã có sự vươn dậy mạnh mẽ. Hầu hết các ngành nghề kinh tế đều có sự bứt phá vượt bậc, nhờ đó, GDP trong quý III/2022 ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 13,67%. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ vừa qua.

Nhờ vào sự tăng trưởng “thần tốc” trong quý III/2022, rất nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, các chuyên gia đều đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% do Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm là hoàn toàn khả thi.

Trao đổi với phóng viên trước thềm năm mới Quý Mão, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: Kinh tế Việt Nam năm vừa qua đã bứt phá rất mạnh, chính là “quả ngọt” của các chính sách hỗ trợ linh hoạt của Chính phủ. Mặc dù đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và mở cửa hoàn toàn kinh tế ngay từ đầu năm, thế nhưng, 2022 là một năm “không bình thường”. Bởi, trong năm, thế giới có những biến động không thể lường trước như xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, thế giới đối mặt với “bão” lạm phát, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đã có sự vươn dậy mạnh mẽ. 

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, mỗi khi thế giới có biến động tiêu cực, chúng ta đều phải gánh chịu. Vì vậy, với sự tăng trưởng GDP trong năm 2022, có thể thấy chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ đưa ra là hợp lý. Nếu nhìn ra thế giới, rất hiếm quốc gia đạt thành công như Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc phân tích: Vì 2022 là một năm “không bình thường” nên Chính phủ đã phải nỗ lực rất lớn, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm. Trong đó, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là các nhiệm vụ điều hành kinh tế. Đây là nhiệm vụ chính. Thứ hai, Chính phủ đã có nỗ lực trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá khứ. Đơn cử như các dự án “đắp chiếu” nhiều năm, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để làm “sống lại” các dự án này. Ngoài ra, giải quyết một số vướng mắc liên quan tới thể chế, hệ thống pháp luật.

Thứ ba, đối phó tương đối thành công với các vấn đề mới phát sinh, như tình hình dịch bệnh còn phức tạp, xuất hiện các chủng bệnh mới, căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,... “Tôi cho rằng, với 3 nhiệm vụ mà Chính phủ đã làm được trong năm 2022 chính là công thức thành công cho các năm sau. Dù vậy, có thể trong năm 2023, thế giới sẽ có những diễn biến mới phát sinh, Chính phủ cần chủ động thay đổi linh hoạt để phù hợp với giai đoạn mới”, ông Lộc nói.

Nhận diện thách thức trong năm 2023

Với tình hình thế giới ngày càng phức tạp và khó có thể chấm dứt trong một sớm một chiều, TS Vũ Tiến Lộc nhận định: Những biến động từ thế giới vẫn sẽ là thách thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Trong bối cảnh chung của thế giới, dự báo các tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra đều kém lạc quan hơn, kinh tế trong năm 2023 có thể sẽ tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, chưa tới mức suy thoái.

Trong đó, lạm phát chính là thách thức lớn nhất. Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia phải tăng lãi suất, tăng giá trị đồng tiền. Yếu tố này sẽ làm dòng vốn trở nên đắt đỏ hơn, quá trình mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp FDI sẽ gặp trở lại. Dưới tác động của lạm phát đã làm suy giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ làm giảm lực cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia, trong đó có cả những quốc gia là đối tác thương mại chiến lược với Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc 

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Trong trường hợp tổng cầu tiêu dùng của thế giới giảm, chắc chắn ngành xuất nhập khẩu sẽ chịu thiệt hại.

“Người dân tại quốc gia nhập khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đều đang có xu hướng hạn chế tiêu dùng. Khi nhu cầu giảm, các quốc gia này sẽ hạn chế nhập khẩu hàng hóa, như vậy sẽ làm “vỡ” kế hoạch xuất khẩu của chúng ta, tác động trực tiếp vào GDP, vào năng lực sản xuất. Do đó, năm 2023, để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như những năm trước là nhiệm vụ rất khó”, TS Vũ Tiến Lộc nêu.

Như vậy, 2 mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế Việt Nam là xuất nhập khẩu và FDI đều đang đứng trước rất nhiều thách thức trong năm 2023. Bên cạnh các tác động từ bên ngoài, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với chính nội tại. Đơn cử như thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ chế pháp luật còn nhiều chồng chéo, luật này xung đột với luật kia, xung đột với Nghị định, Thông tư,...

Trước những thách thức trên, TS Vũ Tiến Lộc đưa ra 2 kịch bản về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế thế giới vẫn diễn biến như hiện nay, không có chiều hướng xấu thêm, có thể trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ duy trì nhịp tăng trưởng như năm 2022, dao động trong khoảng 6% - 7%. Nhưng nếu theo chiều hướng ngược lại, thế giới tiếp tục đối mặt với thông tin tiêu cực dồn dập, có thể tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dưới ngưỡng kỳ vọng.

“Tôi tin rằng dù đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ giữ được nhịp tăng trưởng. Còn mức tăng trưởng như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta, vào cách điều hành của Chính phủ”, ông Lộc nói.

TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những “điểm sáng” đầu tư, vì chúng ta đã gây ấn tượng rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp nhờ việc phòng chống dịch linh hoạt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút dòng vốn nước ngoài, chính trị ổn định, nhân công dồi dào và rẻ... Và thực tế đã chứng minh, ngày càng có nhiều “đại bàng” lựa chọn Việt Nam làm “tổ”.

Kim Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang