GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Việt Nam cần có một cơ chế “khoán 10” trong khoa học công nghệ

author 09:58 13/01/2021

(VietQ.vn) - Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cũng nhân dịp sắp kết thúc năm Canh Tý, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ những nhìn nhận và suy tư về vấn đề phát triển khoa học công nghệ nước nhà…

Sự kiện: Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới. Năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức lọt vào top 10.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cũng nhân dịp sắp kết thúc năm Canh Tý, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ những nhìn nhận và suy tư về vấn đề phát triển KHCN nước nhà…

Chúng ta đã bớt những đề tài nghiên cứu xong cất trong ngăn kéo

PV: Thưa Giáo sư! Giáo sư nhìn nhận thế nào về thực trạng nghiên cứu khoa học (NCKH) nước ta 5 năm qua, đặc biệt năm 2020?

GS Nguyễn Đình Đức: Trước hết, rõ ràng về mặt chính sách, Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục-đào tạo, KHCN là then chốt, là động lực cho sự phát triển. Vì vậy, những năm gần đây đã có sự đổi mới mạnh mẽ từ cơ chế đến tiêu chí KPI để đánh giá hoạt động KHCN.

Đầu tiên là công bố quốc tế, cái nói lên sức sáng tạo, tiềm lực KHCN về mặt nhân lực của một đất nước. Số liệu công bố quốc tế trong năm vừa rồi của Việt Nam tăng vượt bậc, bằng số liệu các công bố của 5 năm cộng lại.

KHCN nước ta cũng hướng tới thực tiễn nhiều hơn. Trước kia, các đề tài nghiên cứu làm xong cất ngăn kéo nhưng giờ tiêu chí đánh giá là phải áp dụng với xã hội. Chính vì thế chúng ta đã có nhiều đề tài thành công trong trong lĩnh vực chuyển đổi số, truyền thông, nông nghiệp, y học, dược phẩm, công nghệ sinh học… Dịch Covid-19 vừa rồi, nước ta đã có những kết quả nghiên cứu không thua kém so với thế giới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang mang lại nhiều cơ hội và rất nhiều thách thức. Chúng ta đã nắm được cơ hội, chuyển đổi được 5G, đó không chỉ là thành tựu của doanh nghiệp mà là kết quả nghiên cứu sáng tạo của Việt Nam.

Chúng ta cũng đang đẩy mạnh khởi nghiệp, có mô hình kết hợp 4 nhà: nhà nước, nhà trường, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học; tiềm lực đội ngũ NCKH cũng tăng lên…

Năm 2020, với quyết tâm rất cao từ sự thôi thúc của hội nhập quốc tế, của thực tiễn, của cách mạng công nghiệp 4.0, KHCN Việt Nam đã có bước phát triển đáng mừng và tôi tin KHCN sẽ là động lực phát triển thời gian tới.

Lãng phí là do đầu tư dàn trải và nhỏ giọt

PV: Tuy nhiên, Giáo sư nhìn nhận thế nào về thực trạng lãng phí trong đầu tư NCKH của Việt Nam?

GS Nguyễn Đình Đức: Tôi cho rằng bên cạnh thành tựu còn những hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh các đề tài đi vào cuộc vẫn còn một số đề tài cất vào ngăn kéo, tính ứng dụng chưa cao, chưa đạt về tầm về khoa học và chưa được như mong đợi.

Thứ hai, tiêu chí đánh giá trong hoạt động KHCN chưa tiếp cận chuẩn mực của thế giới.

Thứ ba, nguồn lực rất lớn, chi phí đầu tư cho trang thiết bị rất lớn nhưng nghiên cứu chưa hiệu quả. Nguyên nhân từ sự đầu từ nguồn lực còn dàn trải, không đồng bộ và nhỏ giọt.

Tôi cho là tiêu chí minh bạch trong KHCN, trong kết quả và yêu cầu cao trong sản phẩm đầu ra là giải pháp quan trọng để hạn chế từng bước lãng phí trong nghiên cứu khoa học.

Đừng nhầm lẫn giữa đầu tư rủi ro và đầu tư lãng phí

PV: Đầu tư cho NCKH trong nhiều trường hợp là đầu tư rủi ro, đầu tư mạo hiểm. Vậy phân biệt thế nào giữa đầu tư rủi ro và đầu tư lãng phí, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Đình Đức: Lãng phí là nghiên cứu không đến nơi đến chốn, không đạt được kết quả chuẩn đầu ra theo như mong muốn, hoạt động KHCN chưa tương xứng để đào tạo nguồn nhân lực.

Ví dụ, chúng ta đầu tư cho một phòng thí nghiệm mà không rõ mục đích của nhóm nghiên cứu, khi phòng thí nghiệm được xây dựng với kinh phí rất lớn nhưng không có đội ngũ để triển khai, đó là lãng phí.

Hoặc đề tài không xác định mục tiêu chuẩn đầu ra, mục tiêu chung chung, không có định hướng cụ thể, kết quả nghiên cứu ra tác dụng lại rất ít, vô thưởng vô phạt - đó là lãng phí. Còn đầu tư rủi ro là đầu tư có mục đích, đầu tư cho khoa học tiềm năng có thể trở thành thực tiễn.

Trên thực tế, không có đề tài nào có thể thành công ngay. Đề tài thành công thường phải ấp ủ từ 5 đến 7 năm, khi có kết quả tương đối chắc chắn rồi mới đăng kí đề tài.

Nhưng có lĩnh vực rất mới như an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo hay vaccine Covid-19 vừa rồi là một ví dụ, thì đó là những vấn đề nóng cần nhanh chóng tiếp cận để có sản phẩm. Các nhà khoa học phải tập trung nguồn lực để nghiên cứu. Tỷ lệ thành công chỉ 20% thôi. Đó là đầu tư rủi ro và chúng ta phải chấp nhận.

Vaccine Covid-19 chúng ta có thể đầu tư cho 5-7 cơ sở nghiên cứu. Có lẽ sẽ chỉ có 1-2 cơ sở sản xuất thành công thôi. Những cơ sở chưa thành công, nghiên cứu dù chưa đạt được kết quả như mong muốn thì những thất bại của lần này là bài học là thành tựu để đẩy nghiên cứu tiếp theo đạt được mục đích. Thông qua nghiên cứu đó cũng đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học được trưởng thành…

Trong cách mạng công nghiệp 4.0 và khi Chính phủ đang đề cao khởi nghiệp thì đầu tư rủi ro càng cần thiết. Phải có quỹ đầu tư rủi ro cho những ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ dám làm thì chúng ta mới nhanh chóng có khởi nghiệp…

Đầu tư rủi ro được các nước phát triển cực kỳ quan tâm. Mỹ coi đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro là 1 vốn 100 lời, họ có quỹ đầu tư cho rủi ro rất lớn. Trường Đại học Havard có quỹ 300 tỷ USD. Trường Đại học Standford có quỹ đầu tư rủi ro cũng lên tới 290 tỷ USD. Hàng năm các doanh nghiệp khởi nghiệp của Mỹ mỗi năm nhận 70 tỷ USD từ nguồn vốn từ các quỹ dành cho khởi nghiệp, dành cho đầu tư mạo hiểm.

Nghiên cứu khoa học cơ bản như nền móng của một ngôi nhà

PV: Giáo sư cũng nói nhiều đến đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Vậy quan điểm của giáo sư thế nào về nghiên cứu khoa học cơ bản?

GS Nguyễn Đình Đức: Khoa học cơ bản quan trọng ở chỗ nó là nền tảng. Đối với trường đại học, NCKH cơ bản không chỉ là nền tảng để phát triển khoa học mà qua đó đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ nghiên cứu, giảng viên.

NCKH cơ bản như nền móng của một ngôi nhà, khi nhìn ngôi nhà người ta không thể thấy nền móng, nhưng nền móng vững chắc mới có ngôi nhà vững chắc.

Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nghiên cứu ứng dụng rất mạnh mẽ, nhưng những nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ đấy trên cơ sở một nền tảng nghiên cứu cơ bản rất tốt. Bằng chứng là các công bố quốc tế của các nhà khoa học nước đó, rồi các nhóm nghiên cứu mạnh, những nhà khoa học được giải thưởng quốc gia quốc tế của họ rất nhiều.

Một quốc gia không phát triển khoa học cơ bản mạnh thì như phát triển mà không có nền tảng gốc, chúng ta không thể can thiệp được vào công nghệ gốc, can thiệp được vào những cốt lõi, phần mềm, hộp đen.

Thành tựu của NCKH cơ bản là đóng góp mới tiến tới phát triển trong lĩnh vực khoa học của ngành đấy. Đối với nước ngoài người ta thường dùng tiêu chí là công bố trên các tạp chí quốc tế để đánh giá trình độ NCKH cơ bản. Không phải ngẫu nhiên người ta coi công bố quốc tế là thước đo đánh giá chuẩn mực về mặt khoa học.

Cho nên một mặt phải đầu tư nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn, đưa khoa học vào thực tiễn, là động lực phát triển kinh tế xã hội, nhưng mặt khác, chúng ta phải chú trọng NCKH cơ bản.

Khoa học công nghệ sẽ là chiếc đũa thần kỳ đưa Việt Nam đi lên

PV: Giáo sư nghĩ sao về một cú hích để KHCN Việt Nam phát triển đột phá?

GS Nguyễn Đình Đức: Lịch sử cho thấy trên thế giới các nước phương Tây như Anh, Pháp phát triển lâu đời, để tăng trưởng GDP phải mất hàng trăm năm. Nhưng những nước phát triển nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ một vài chục năm thôi. Cái làm nên điều thần kỳ đó chính là đưa thành tựu của KHCN vào cuộc sống. Cho nên tôi có thể khẳng định KHCN là chiếc đũa thần kỳ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Từ góc độ nhà khoa học, theo tôi, chúng ta phải xác định: Thời gian tới là kỷ nguyên cách mạng 4.0, nên các nhà khoa học triển khai lĩnh vực nghiên cứu của mình phải gắn với trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, gắn với khái niệm thông minh.

Ở đâu có nhân tài thì ở đó có thành công và có sức cạnh tranh. Nhà nước phải có chính sách trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực KHCN, đây chính là cốt lõi để xây dựng các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học và các viện nghiên cứu. Từ các nhóm nghiên cứu, các nhân tài sẽ cho ra công nghệ mới, kỹ thuật mới tiếp cận với thế giới. Giữa KHCN và đào tạo nhân lực không thể tách rời. Cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân tài từ ngay trong trường đại học. Muốn vậy phải đổi mới giáo dục đại học hơn nữa, để KHCN phát triển đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Chúng ta cũng phải xác định các hướng mũi nhọn để tập trung phát triển bứt phá vì nguồn lực có hạn. Theo tôi, hướng mũi nhọn là công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Tôi cũng muốn nói đến vấn đề cơ chế. Dù chúng ta đều hiểu KHCN là then chốt nhưng có rất nhiều vấn đề ràng buộc.

Theo tôi cần một cơ chế “khoán 10” trong hoạt động KHCN để làm sao kích thích được các nhà khoa học, mọi tổ chức cá nhân có thể phát huy cao nhất nguồn nhân lực chất xám và có quyền sở hữu trí tuệ của mình để cống hiến cho khoa học.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Theo VOV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang