Hà Giang: Cửa hàng điện thoại HHT Mobile kinh doanh nhiều phụ kiện điện thoại giả mạo
Kiên Giang: Thu nộp ngân sách hơn 9,8 tỷ đồng từ xử phạt hàng giả, hàng kém chất lượng
Tiền Giang: Kiểm tra, xử phạt 15 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh LPG
Hà Nội: Loạt phòng khám, cơ sở hành nghề y dược bị xử phạt
Đội QLTT số 9, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt Cửa hàng điện thoại HHT Mobile do ông Nguyễn Quốc Hải làm chủ cơ sở.
Trước đó, Đội QLTT số 9 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng điện thoại HHT Mobile tại thôn Sửu, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở đang trưng bày để bán hàng hóa gồm 117 sản phẩm phụ kiện điện thoại (tai nghe, củ sạc, Jack chuyển đổi Iphone, sạc dự phòng) có gắn nhãn hiệu của Apple và Samsung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận và bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Quốc Hải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.
Lực lượng chức năng giám sát chủ cơ sở cắt, đập nát số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang
Qua đấu tranh làm rõ, chủ cơ sở khai nhận toàn bộ hàng hóa đều không phải hàng chính hãng, được ông mua trôi nổi do có giá thành rẻ và bán lợi nhuận cao nên mua về bán, các hàng hóa khi mua hoàn toàn không có giấy tờ, chứng từ mua bán. Theo giá bán niêm yết hàng hóa được xác định có tổng trị giá là 15.520.000 đồng.
Sau khi phối hợp với đại diện các chủ thể quyền xác định 117 sản phẩm trên giả mạo các nhãn hiệu Apple và Samsung đã được bảo hộ tại Việt Nam, Đội QLTT số 9 đã trình Cục QLTT tỉnh Hà Giang ban hành quyết định xử phạt số tiền 16 triệu đối với hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời buộc chủ cơ sở thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo.
Dự báo, trong thời gian tới là dịp cuối năm hoạt động mua bán, trao đổi sẽ hết sức sôi động, Đội QLTT số 9 sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.
Theo các chuyên gia công nghệ, phụ kiện điện thoại giả mạo tuy có vẻ ngoài xịn sò không thua gì so với sản phẩm chính hãng nhưng về chất lượng không thể so với các sản phẩm chính hãng. Ví dụ như với sản phẩm sạc dự phòng trôi nổi khi sử dụng không những mang lại nguy cơ cháy nổ cao mà còn gây ảnh hưởng đến tuổi thọ pin điện thoại hay tablet. Điều này cũng tương tự khi mua các củ sạc, cáp sạc trôi nổi không rõ nguồn gốc, thương hiệu hay là các sản phẩm fake theo các thương hiệu lớn.
Để tránh mua phải các phụ kiện kém chất lượng, đầu tiên cần tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm. Khi chọn mua phụ kiện nên mua các sản phẩm có thương hiệu rõ ràng mà không phải các sản phẩm trôi nổi.
Khi mua nên chọn các cửa hàng uy tín cho dù mua trực tiếp hay mua online quá các sàn thương mại điện tử. Vì các cửa hàng uy tín sẽ nhập hàng từ trực tiếp từ các thương hiệu hay qua các đại lý ủy quyền chính hãng nên chất lượng các món phụ kiện này sẽ được đảm bảo hơn. Còn với các sàn thương mại điện tử nên mua trực tiếp từ cửa hàng chính hãng, đừng vì những nơi bán khác có giá bán rẻ hơn mua các phụ kiện kém chất lượng.
An Dương