Hà Nội: Sản xuất, buôn bán mật ong giả số lượng ‘khủng’

author 11:18 07/08/2023

(VietQ.vn) - Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Hoài Đức vừa ra Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” xảy ra tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Vụ việc do Đội QLTT số 24, Cục QLTT TP. Hà Nội phát hiện, xử lý.

Theo đó, ngày 03/8/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Hoài Đức đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” xảy ra tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Tại một quyết định khác, Cơ quan này cũng ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Phan Quyết thường trú tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức về tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật hình sự.

 Sản phẩm mật ong giả bị lực lượng chức năng thu giữ.

Trước đó, chiều ngày 10/6/2023, Đội QLTT số 24, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý, Công an huyện Hoài Đức bất ngờ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong Hoa Nhãn tại Thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức do ông Phan Văn Quyết sinh năm 1972 làm chủ. Cơ sở không có biển hiệu cũng như địa chỉ rõ ràng.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT bắt quả tang cơ sở đang sản xuất mật ong từ đường, nha và nước cốt mạch nha pha theo tỷ lệ. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ về đăng ký kinh doanh cũng như hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu, hàng hoá tại cơ sở.

Kiểm đếm thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận hơn 2.000 lít mật ong Hương Nhãn đã được đóng gói thành phẩm. Trên nhãn hàng hoá ghi công dụng là bồi bổ cơ thể chống quá trình lão hoá cho hệ tiêu hoá và tuần hoàn. Dùng để điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng. Nơi sản xuất thể hiện trên nhãn là xã Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên. Địa chỉ này khác xa so với địa điểm mà cơ sở đang sản xuất.

Theo tìm hiểu, với mỗi thùng nha 70kg sẽ cho ra lò khoảng 45 lít mật ong. Một chai mật ong 1 lít được cơ sở bán ra với giá 99.000 đồng. Đặc biệt, 100% hàng hoá của cơ sở được bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook.

Lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và tang vật vi phạm để xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm và bàn giao toàn bộ hồ sơ tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hoài Đức thụ lý.

Liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả, vào giữa tháng 6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại khu vực Cổng khu đô thị GoldMark City phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Đồng thời ra quyết định khởi tố 2 bị can là Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Cụ thể, qua công tác trinh sát và nắm bắt địa bàn, lực lượng QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) sau thời gian dài theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và phát hiện dấu hiệu vi phạm. Qua đó, ghi nhận tại đây có 12 nhân viên đang thực hiện hoạt động kinh doanh: đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh được thực hiện chủ yếu trên mạng xã hội với tài khoản "Viên sủi Lady - chính hãng".

Qua kiểm kê phát hiện tại cơ sở trên có 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viên/hộp) trên nhãn sản phẩm thể hiện Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm: CÔNG TY TNHH SUPHARMCO; 21 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo (20 viên/hộp) trên nhãn ghi của CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI GENIX; 46 hộp Collagen Firming Sleeping Mark do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan.

Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng phát hiện 1 nam thanh niên đi xe mô-tô đứng tại Cổng khu đô thị Goldmark City trên xe vận chuyển 1 thùng carton có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra thực tế, hàng hóa trong thùng chứa 30 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady không có hóa đơn chứng từ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH SUPHARMCO. Người vận chuyển khai, nhận số hàng trên tại địa chỉ tại Tòa nhà Time coffee để giao cho khách hàng.

Sau đó, lực lượng chức năng xác định, chủ toàn bộ lô hàng là đối tượng Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo (quản lý kinh doanh hệ thống bán hàng online). Làm việc với lực lượng chức năng, chủ số hàng trên cho biết, thuê địa điểm Tầng 4, Tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức để kinh doanh online trên mạng xã hội facebook.

Có mặt với lực lượng chức năng tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH SUPHARMCO khẳng định 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY trên không phải là sản phẩm của công ty TNHH SUPHARMCO, công ty cũng không ủy quyền phân phối sản phẩm trên cho chủ số hàng đang được kiểm tra.

Nhận thấy vụ việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên có dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả là thực phẩm, Đội QLTT số 24 đã bàn giao lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và hiện trạng hàng hóa tại điểm kinh doanh cho Cơ quan điều tra - công an quận Bắc Từ Liêm xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang