Hà Nội: Nhãn chín muộn được mùa nhưng mất giá

author 20:41 08/09/2021

(VietQ.vn) - Nếu như những năm trước, mùa nhãn chín muộn thường là dịp được người nông dân mong chờ vì sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn hẳn so với chính vụ thì mùa nhãn chín muộn năm nay, giá bán vẫn không nhích lên nhiều. Thậm chí nhiều nơi còn lo ngại sẽ không tiêu thụ được nhãn trong bối cảnh giãn cách kéo dài.

Hiện nay, nhãn chính vụ đã dần hết, song nhãn muộn đang vào mùa thu hoạch rộ. Riêng Hà Nội, vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung ven sông Đáy thuộc các huyện: Quốc Oai 200ha ở xã Đại Thành; Hoài Đức 250ha ở các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương; Chương Mỹ 100ha ở các xã: Lam Điền, Thụy Hương, Phụng Châu. Hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn của Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi; số qua sơ chế, chế biến, đóng gói nhãn mác khoảng 3-5%. Khoảng 30-40% sản lượng được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội; số còn lại (khoảng 60-70% sản lượng) do nông dân tiêu thụ chủ yếu thông qua tư thương. Do giãn cách xã hội kéo dài nên việc tiêu thụ nhãn thông qua các kênh phân phối như mọi năm gặp khó khăn.

 Nhãn chín muộn được mùa nhưng mất giá - Ảnh: VTV

Người mua phấn khởi, nông dân khóc ròng

Hỗ trợ mua nhãn 12.000 đồng/kg, bảo đảm nhãn to, ngon, ngọt, sạch, đó là một trong những lời kêu gọi bán hàng của anh Vũ Minh (Hà Đông, Hà Nội) khi đăng trên chợ chung cư cư dân nơi anh sinh sống. Anh cho biết, mọi năm, gia đình anh (Ứng Hòa, Hà Nội) thường bán nhãn chín muộn với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của thương lái. Nhưng năm nay giá giảm mạnh do thương lái không vào được nhiều như mọi năm. Cho nên anh mang đến chung cư bán để hỗ trợ bố mẹ sinh sống ở quê, mong vớt vát lại một chút chi phí.

Chị Nguyễn Thị Mến (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi vườn nhãn chín muộn gần 3ha của gia đình đã vào mùa thu hoạch rộ nhưng khó khăn về đầu ra. Chị cho biết, những năm trước, trước khi nhãn chín, thương lái đã vào tận vườn để đặt mua. Khi nhãn chín, gia đình chỉ phải hái rồi giao cho thương lái là xong. Nhưng năm nay, do giãn cách xã hội kéo dài nên thương lái không thể vào thu mua như thường lệ. “Chúng tôi cũng liên kết với anh em họ hàng đang sinh sống ở những khu chung cư nội thành để tiêu thụ, nhưng lượng không được nhiều. Hiện nay, thành phố lại siết chặt quản lý người ra đường, khu vực nhà tôi thuộc vùng đỏ nên xin giấy đi đường rất khó. Hiện nay, vườn nhãn chín muộn nhà tôi gần như bế tắc đầu ra”, chị Mến buồn bã chia sẻ. 

Năm nay được đánh giá là năm được mùa của trái nhãn. Nhãn chính vụ và nhãn chín muộn đều sai quả, chất lượng tốt, quả to, bóng đẹp và rất ngọt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm này rất khó khăn. Hầu hết, nhãn được tiêu thụ ở thị trường nội địa, trong nội tỉnh hoặc một số địa phương lân cận với giá rất rẻ, chỉ từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg tùy loại.

Chị Hà Thị Yến (chung cư Dương Nội, Hà Đông) cho biết, năm nay nhãn rất rẻ, được bán rất nhiều trên các chung cư nên chị tranh thủ mua về cho gia đình ăn và đi biếu. Chị cho biết, so với các loại trái cây khác như nho, măng cụt, mãng cầu… thì năm nay, giá nhãn rẻ hơn rất nhiều. Do tiêu thụ khó khăn nên các nhà vườn hầu hết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất làm vàng, làm bóng quả nhãn, người mua do vậy cũng yên tâm hơn.

Anh Nguyễn Văn Long, trưởng một nhóm từ thiện tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ, năm nay, bên cạnh lương thực thực phẩm, nhóm của anh lựa chọn nhãn là một phần trong gói quà từ thiện. Giá rẻ, chất lượng tốt, việc tiêu thụ nhãn cũng góp phần giúp bà con tháo gỡ phần nào khó khăn đầu ra cho sản phẩm.

Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nhãn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn trong đó có nhãn chín muộn - Ảnh: Báo Lao động
 

Đầu tháng 9 vừa qua Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức "Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn".

Nhãn chín muộn là một câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm tại diễn đàn. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, sản phẩm nhãn chín muộn huyện Quốc Oai, một trong những cây ăn quả đặc sản của Thủ đô, là sản phẩm được xuất khẩu thị trường Châu Âu và Mỹ. Đây là giống nhãn được nhân giống tử cây nhãn tổ có tuổi đời 130 năm, kèm theo kỹ thuật chăm sóc hoàn toàn thủ công. Bởi vậy, đây là một vùng nhãn chín muộn khác biệt với tất cả các giống nhãn chín muộn ở miền Bắc. Nhưng việc bán các mặt hàng này trên các kênh thương mại điện tử còn hạn chế, chưa có sự kết nối trong hệ thống bán lẻ chuyện nghiệp. Các sản phẩm chủ yếu được bán buôn qua cho thương lái, chợ đầu mối nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, giá thấp.

Tại diễn đàn ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai) bày tỏ mong muốn các kênh phân phối hỗ trợ các hợp tác xã, người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ông mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm với giá bán trung bình 16.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 35.000 đồng/kg so với năm ngoái. Các chuyên gia hàng đầu ngành NN&PTNT, đại diện doanh nghiệp cũng đã thảo luận sôi nổi để đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản phẩm OCOP nông sản, thực phẩm an toàn của Hà Nội...

Nhiều chuyên gia đề xuất việc các đơn vị doanh nghiệp, các nhà phân phối kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tiêu chuẩn chất lượng để nông dân yên tâm sản xuất và làm việc cần thiết lâu dài. Từ đó, giúp nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; thúc đầy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ với giống nhãn chín muộn mà còn với các loại nông sản khác, xúc tiến quá trình chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, xây dựng nông thôn mới. Ông Paul Le, Phó chủ tịch tập đoàn Central Retail Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho biết, Tập đoàn sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP theo hai hướng: Thứ nhất, là tạo một số hội thảo giới thiệu, marketing sản phẩm tại thị trường Việt Nam và thế giới. Thứ hai là sử dụng hệ thống siêu thị với thương hiệu Big C để hỗ trợ sản phẩm OCOP và tin tưởng OCOP Việt Nam cũng là một dự án thành công. 

Góp ý thêm cho các đơn vị một số giải pháp để đưa sản phẩm tiêu thụ mạnh hơn, nhất là qua kênh bán hàng thương mại điện tử, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cảm nhận về nhãn quan thì sản phẩm nhãn chín muộn và phần lớn các sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia các kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, theo bà để tham gia thị trường trên tất cả các kênh thì phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm.

Thứ nhất, phải xác định sản phẩm sản xuất ra cũng chính là để cho bản thân mình, gia đình mình sử dụng thì bất kỳ giá nào cũng được thị trường ủng hộ.

Thứ hai, sản phẩm phải tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các giấy phép về VietGAP, GlobolGAP... Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường. 

Thứ ba, các doanh nghiệp phải duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ.

Thứ tư, phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất.

Bà Vũ Thị Hậu gợi ý thêm các đơn vị cần có những giải pháp tình thế, nếu các sản phẩm không xuất khẩu được, hoặc dịch bệnh không bán được, thì phòng kinh tế các quận huyện, liên hệ với các chi hội phụ nữ, các ban quản lý chung cư, để có những địa chỉ xuất hàng, đảm bảo việc được mùa không dớt giá mà người cần mua được sản phẩm sạch, an toàn.  

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, để tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm an toàn kết nối tiêu thụ sản phẩm; Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây” nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.

Lý Băng (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang