Hà Nội: Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

author 13:48 28/12/2020

(VietQ.vn) - Hướng tới mục tiêu có 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vào năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp.

Tăng cường hỗ trợ trực tiếp

UBNB thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 về Quy chế Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội.

Hà Nội phổ biến chuỗi kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm 

Theo đó, các doanh nghiệp CNHT sẽ được hỗ trợ với rất nhiều mức tương ứng. Đơn cử hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ 100% các khoản chi phế về: Tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (chi đánh giá năng lực doanh nghiệp tối đa không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp); Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào  lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Đánh giá và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp dứng yêu cầu quốc tế (hỗ trợ tối đa không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp khi thuê chuyên gia nước ngoài).

Hỗ trợ 70% các khoản chi phí: Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước (hỗ trợ tối đa 12 triệu đồng/đơn vị tham gia); Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp tại nước ngoài (hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/1 đơn vị tham gia)… 

Hỗ trợ 100% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất khi thực hiện: Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp (mức hỗ trợ tối đa đánh giá năng lực doanh nghiệp không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp); Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp; Đánh giá, công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất (mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp quy mô số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp còn lại). 

Hỗ trợ 70% đối với hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về công nghiệp hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước; cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. 

Hỗ trợ 100% cho hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu cho chi giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Hỗ trợ 70% đối với hoạt động chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước làm việc trực tiếp cho các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chi hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến

Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện thành phố cũng đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành CNHT Hà Nội thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, chủ chốt nhất vẫn là 3 lĩnh vực: Sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày.

Cũng trong năm 2020, Thành phố tiến hành tổ chức phổ biến chuỗi kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa các nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng; tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới...

Để hoàn thành mục tiêu có khoảng 1000 doanh nghiệp CNHT vào năm 2025, ông Đàm Tiến Thắng cho hay, UBND TP Hà Nội sẽ chú trọng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Đáng chú ý, Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Cùng với đó, Thành phố hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang