Cần khẩn trương ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy

author 09:29 22/03/2025

(VietQ.vn) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu ban hành lộ trình áp dụng đối với xe ô tô đang lưu hành trong tháng 3; đối với xe máy thì đề xuất lộ trình áp dụng trong tháng 4.

Trưa 21/3, trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 199. Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất ở mức cao nhất.

Trong sáng 21/3/2025, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đồng loạt đưa ra chỉ số chất lượng không khí ở thủ đô ở mức kém và xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Với chất lượng không khí ở mức xấu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời. Khi chất lượng không khí ở mức kém và xấu, nhóm người nhạy cảm, người mắc bệnh mãn tính, tim mạch… hạn chế các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời.

Hà Nội đang triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố, hướng tới thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp" và nhiều nội dung quan trọng.

Các cơ quan, đơn vị của Hà Nội đang tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn...

Tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Ảnh minh họa

Vừa qua thành phố Hà Nội quyết định thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, và mới đây lãnh đạo Chính phủ có chỉ đạo liên quan đến quy chuẩn quốc gia về khí thải, là những chuyển động được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi thực chất.

Đối với quy chuẩn Việt Nam về khí thải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng đối với xe ô tô đang lưu hành trong tháng 3; đối với xe máy thì đề xuất lộ trình áp dụng trong tháng 4.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng được giao phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, tính toán phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức độ phát thải cao tại những khu vực đang có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm về khí thải…

Có thể nói việc hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm lâu nay đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó vấn đề xác định và phân loại các phương tiện gây ô nhiễm là một rào cản đáng kể. Nếu không có tiêu chí rõ ràng để xác định như thế nào là phương tiện gây ô nhiễm, chẳng hạn như xe sử dụng động cơ diesel, xe máy cũ hay xe không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro (quy định giới hạn của từng loại khí thải phát ra từ phương tiện giao thông được bán trong liên minh châu Âu), việc thực thi chính sách có thể gây tranh cãi và khó đạt được sự đồng thuận từ người dân.

Theo đó quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách nêu trên, tuy nhiên lâu nay quá trình xây dựng, thẩm tra, thẩm định các quy chuẩn về khí thải còn có sự lúng túng, chưa thống nhất về cơ quan chủ trì xây dựng, chậm xây dựng lộ trình áp dụng… Chính vì vậy, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ với địa chỉ thực hiện và lộ trình rõ ràng nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của chính sách nên thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, không nên chỉ dựa vào quy chuẩn về khí thải đối với ô tô, xe máy.

Theo Lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu các phương án như giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, hỗ trợ vốn vay mua xe mới... để người dân cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện...Tiếp theo, việc triển khai các khu vực hạn chế phương tiện gây ô nhiễm đòi hỏi hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm hệ thống camera giám sát, cảm biến đo khí thải và biển báo thông minh.

Một giải pháp khác cần được xem xét là phát triển mô hình giao thông vận tải với nhiều dịch vụ di chuyển - như xe buýt, tàu điện, taxi, xe đạp chia sẻ, xe điện loại nhỏ (scooter), xe thuê tự lái, phương tiện công cộng - được tích hợp thành một nền tảng chung.

Thay vì sở hữu phương tiện cá nhân, người dân sẽ tiếp cận các dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu thông qua một ứng dụng duy nhất với một tài khoản và một phương thức thanh toán chung. Hệ thống giao thông công cộng và các dịch vụ chia sẻ phương tiện này thường được gọi là mô hình tích hợp nhiều dịch vụ vận chuyển đã được ứng dụng thành công tại các thành phố như Helsinki của Phần Lan và Singapore. Ví dụ như Phần Lan đã tích hợp taxi, tàu điện, xe bus, xe thuê và xe đạp chia sẻ vào một ứng dụng duy nhất, thanh toán bằng một khoản phí cố định hàng tháng, thuận tiện cho người dân sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang