Hà Nội phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất thuốc giả

author 06:30 26/08/2023

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 12, Cục QLTT TP. Hà Nội vừa phối hợp với Công an quận Thanh Xuân qua kiểm tra, phát hiện đối tượng có hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Trước đó, Đội QLTT số 12, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Thanh Xuân tiến hành khám nơi cất giấu hàng hóa tại địa chỉ số 67 ngõ 126 Khuất Duy Tiến, phường Nhân chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội do bà N.T.S là chủ sở hữu hàng hóa.

Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 112 hộp thuốc tân dược HepBest 25mg trên bao bì hộp thuốc thành phẩm thể hiện sản phẩm được sản xuất bởi Mylan Laboratories Limited, xuất xứ Ấn Độ. Tên doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu y tế Delta, có địa chỉ tại: 175 Tân lập, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tem chống hàng giả của Công ty Dược phẩm Đa Lê, có địa chỉ tại số 10A7 Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài ra, tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện 35 lọ thuốc bán thành phẩm, trên sản phẩm không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ và một lượng lớn bao bì dùng để đóng gói thành phẩm thuốc HepBest, tờ in hướng dẫn sử dụng, tem chống hàng giả, nhãn hàng hóa, vỏ hộp giấy của sản phẩm thuốc HepBest 25mg và 01 máy in ngày sản xuất và hạn sử dụng trên vỏ bao bì hộp thuốc.

 Số thuốc giả bị lực lượng chức năng thu giữ tại cơ sở sản xuất

Toàn bộ hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa thành phẩm được bao gói sẵn riêng biệt không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.

Căn cứ Khoản 33 Điều 2 Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016, định nghĩa: “Thuốc giả là thuốc được sản xuất, trình bày và dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất”. Qua quá trình xác minh làm rõ và những chứng cứ thu thập trong hồ sơ, cùng với ý kết luận của Đại diện nhà máy sản xuất, Doanh nghiệp Nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối sản phẩm HepBest tại Việt Nam. Đội QLTT số 12 kết luận 112 hộp thuốc tân dược 25mg; 35 hộp thuốc bán thành phẩm và bao bì dùng để đóng gói thành phẩm thuốc HepBest 25mg của bà N.T.S là tang vật của quá trình sản xuất Thuốc giả.

Căn cứ Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, bà N.T.S đã có hành vi vi phạm Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Đội QLTT số 12 ban hành Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm và chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vi phạm cho Công an quận Thanh Xuân tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: hoàn toàn không có dược chất được ghi trên nhãn thuốc; có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người; có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.

Thuốc giả gây tác hại ở 2 phương diện. Thuốc giả gây thiệt hại rất trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính. Thuốc bị làm giả người dùng thuốc không phân biệt được đâu là thật hay giả do thuốc giả dùng tên thuốc, nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì được làm giả giống y như thuốc thật. Thuốc giả gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang