Hà Nội: Phát hiện 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 17:53 05/01/2025

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hoá là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, được bán nhiều ở cổng trường học.

Theo đó, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Bãi Thuỵ, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng. Quá trình kiểm tra phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hoá là thực phẩm (xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là mặt hàng thường được bày bán tại các khu vực cổng trường học.

Các đối tượng khai nhận mua số xúc xích này tại Lạng Sơn, không có nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì có chữ tiếng Trung Quốc mang về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ, cung cấp cho nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ.

Số thực phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

Nói tới xúc xích không đảm bảo an toàn, theo các chuyên gia, xúc xích thường có vị thịt lợn và thịt bò, tuy nhiên, trước đó Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã công bố kết quả hàm lượng thịt bò trong mẫu xúc xích bò và giò bò rất thấp và chủ yếu sử dụng gia vị, hóa chất.

Những hóa chất dùng chế biến xúc xích khi được đun nấu ở nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa thành các chất có hại cho sức khỏe và chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit (hay còn gọi là săm-pết). Trong đó, săm-pết vừa có tính năng bảo quản, vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều, săm-pết sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo ra samin, chất gây ung thư.

Không chỉ vậy, xúc xích còn chứa nhiều muối, trong 100g xúc xích chứa 1g muối natri, tương đương 45% nhu cầu muối natri cho cơ thể. Lượng muối quá nhiều kết hợp sự mất cân đối giữa muối natri và kali khiến cơ thể dễ mắc các bệnh phù, trữ nước trong cơ thể, huyết áp cao, tim mạch.

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện Kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh chất lượng cũng như là cơ sở để người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất của mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay thị trường, bên cạnh hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của người dân.

Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua biên giới trái quy định pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang