Hà Nội: Phát hiện điểm kinh doanh gần 1 tấn trứng non bốc mùi, không rõ nguồn gốc

author 16:58 24/04/2023

(VietQ.vn) - Quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh 840 kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40 kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch động vật, có hiện tượng bốc mùi khó chịu.

Ngày 24/4/2023 Đội 4 - Phòng PC05 phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh địa chỉ thôn 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Chủ cơ sở là bà Cấn Thị Hồng (sinh năm 1992 trú tại thôn 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ).

 Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh 840 kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40 kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh 840 kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40 kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch động vật, có hiện tượng bốc mùi khó chịu. Hiện, Đội 4 - Phòng PC05 đang tiếp tục phối hợp với Đội QLTT số 17 xác minh, làm rõ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên, Công an Thị xã Mỹ Hào và Trạm Thú y thị xã Mỹ Hào phát hiện, ngăn chặn kịp thời 230kg thịt lợn bốc mùi hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, toàn bộ số thịt lợn vận chuyển trên xe có màu sắc tím tái, có nốt xuất huyết trên da biểu hiện tích bệnh truyền nhiễm, đang bốc mùi hôi thối và đang trong quá trình phân huỷ. Chủ lô hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hoá trên.

Đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hàng là bà N.T.T (có địa chỉ: Xã Cẩm Xá, Thị xã Mỹ Hào) với số tiền phạt là: 10.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm có trị giá là: 2.300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính: Vận chuyện sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh theo quy định tại Khoản 5, Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ.

Thực tế thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền và vào cuộc quyết liệt, phát hiện, xử lý nhiều vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm, các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo trá biến hóa các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí bốc mùi ôi thiu tuồn vào các quán ăn, nhà hàng, trường học...

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Từ đó góp phần hạn chế tình trạng thực phẩm không an toàn, gây ngộ độc thực phẩm… bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang