Hà Nội thu hơn 200 tỷ đồng tiền thuế từ thương mại điện tử

author 11:36 12/09/2021

(VietQ.vn) - Theo số liệu thống kê từ Cục Thuế Hà Nội, tổng số thuế đã thu từ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó 7 tháng năm 2021 là 39 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, ngay từ năm 2017, đơn vị đã thực hiện triển khai quản lý thương mại điện tử. Dựa trên nguyên tắc về quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Cục thuế TP Hà Nội đã cụ thể hóa chính sách thuế nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Tính đến tháng 7/2021, Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm ứng dụng/sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store…

Theo Cục Thuế Hà Nội, các cá nhân đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý. Số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó 7 tháng năm 2021 là 39 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội đang thực hiện rà soát các hình thức bán hàng của 32.085 thông tin giao dịch cơ sở kinh doanh có sử dụng ứng dụng giao hàng và Dữ liệu về 756 chủ cơ sở cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú.

Cục Thuế Hà Nội cho hay, ngay trong tháng 9/2021, sẽ triển khai ứng dụng thuế điện tử dành cho thiết bị di động. Cùng với việc hỗ trợ các chức năng đã cung cấp trên hệ thống thuế điện tử, ứng dụng thuế điện tử dành cho thiết bị di động sẽ cung cấp các dịch vụ nâng cao mang tính trải nghiệm cho người dùng; đồng thời, bổ sung chức năng tra cứu thông tin người phụ thuộc và hỗ trợ người nộp thuế điện tử thông qua liên kết với ứng dụng thanh toán của ngân hàng.

Cơ quan thuế của Hà Nội đã thu hơn 200 tỷ đồng tiền thuế từ thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Được biết, trong những năm gần đây, thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho thương mại điện tử. Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn lại thông tin trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người). Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang