Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường

author 23:31 28/03/2025

(VietQ.vn) - Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí thành phố Hà Nội sẽ triển khai các cơ chế và chính sách nhằm khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện năng lượng xanh.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang trở lại trong thời gian gần đây khi Thủ đô không còn chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh. Thống kê gần nhất cho thấy, trong 7 ngày gần đây thì tới 6 ngày ô nhiễm không khí được báo động ở mức không lành mạnh với chỉ số AQI trung bình trên 150 đơn vị.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng là thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng. Theo thống kê có tới 56% - 65% ô nhiễm môi trường không khí xuất phát từ hoạt động giao thông vận tải. Tại Hà Nội, thống kê hiện có 1,2 triệu ô tô và gần 8 triệu xe máy, 70% sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải rất lớn.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố hiện có 153 tuyến, bao gồm 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Tổng số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.903 xe, trong đó có 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 143 xe buýt điện), và hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa

Hiện tại, 4 đơn vị vận tải (Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, và Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) đang tiến hành đầu tư và vận hành thử nghiệm 5 tuyến xe buýt điện với tổng số 76 xe.

Tại cuộc họp gần đây về kế hoạch và lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống xe buýt điện, năng lượng xanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ xe buýt, Hà Nội sẽ hướng đến việc chuyển đổi tổng thể các phương tiện, bao gồm cả taxi và phương tiện cá nhân, sang sử dụng năng lượng xanh.

Để khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình này, thành phố sẽ xây dựng các cơ chế và chính sách thúc đẩy. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài chính nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể.

UBND Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát và hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, với mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 phải hoàn thành việc chuyển đổi 100% xe buýt. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương để rà soát và đưa vào quy hoạch hệ thống trạm sạc, phục vụ cho việc chuyển đổi năng lượng xanh.

Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố". Theo đề án này, Hà Nội sẽ bắt đầu chuyển đổi xe buýt điện từ năm 2025. Trong giai đoạn 2026-2035, Thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG.

Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đã triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe, nhằm xây dựng định mức và đơn giá cho các loại xe buýt điện có sức chứa trung bình và nhỏ. Trong năm 2025, thành phố sẽ ưu tiên chuyển đổi các phương tiện buýt diesel lớn đã hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn.

Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện việc thay thế các phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng thực tế của phương tiện trên từng tuyến.

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện phương án này là khoảng 48.625 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố dự kiến chi khoảng 35.996 tỷ đồng và các doanh nghiệp sẽ tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng.

Liên quan tới tình hình ô nhiễm tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Trung ương sẽ cùng Hà Nội giải quyết vấn đề. Trước đề xuất của Hà Nội nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa bộ - tỉnh và tỉnh - tỉnh để trao đổi dữ liệu về môi trường, xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh, Phó Thủ tướng thống nhất giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết ô nhiễm không khí cho thành phố Hà Nội đặt trong vùng Thủ đô, thống nhất kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, kèm theo cơ chế hoạt động.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hà Nội và các địa phương khẩn trương xây dựng đề án, trong tháng 4/2025 thành lập xong Ban Chỉ đạo và trình Ban Chỉ đạo quy chế hoạt động, quy chế làm việc…

Phó Thủ tướng gợi ý: “Hà Nội cần đánh giá, nếu nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông do phương tiện cá nhân quá nhiều thì cần hạn chế bằng cách dùng các công cụ kinh tế để điều tiết, không nên cấm bằng biện pháp hành chính. Các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường ban hành quy chuẩn cao với phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy và ban hành trong tháng 4 này. Thành phố Hà Nội dựa vào đó để ban hành quy chuẩn cao hơn”.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang