Hà Nội triển khai nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử

author 12:40 29/10/2021

(VietQ.vn) - Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phát triển hoạt động thương mại điện tử, khuyến khích tiêu dùng, mua sắm trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Hoạt động TMĐT đã và đang tham gia vào hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. TMĐT cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả.

Nhiều sàn TMĐT đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2021, Hà Nội tiếp tục đứng thứ hai cả nước về chỉ số TMĐT, sau TP.HCM. Đây là kết quả của hàng loạt giải pháp mà Hà Nội đã triển khai nhằm phát triển TMĐT thời gian qua, từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang TMĐT tiêu thụ nông sản… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TMĐT càng được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển.

Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối DN với các trang TMĐT xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa. Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các DN đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ TMĐT phát triển.

Với mục tiêu doanh số TMĐT chiếm 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ, 45% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 60% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng có hóa đơn điện tử… thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa

Trong đó, chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp. Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.

Tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động TMĐT kết nối chuỗi cung ứng TMĐT với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường… Đồng thời tổ chức các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua TMĐT và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử…

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho TMĐT. Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn lại thông tin trong Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người). Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, TMĐT góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang