Hà Nội xử phạt 10 cơ sở kinh doanh dược do không đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc

author 19:15 11/04/2024

(VietQ.vn) - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành xử phạt 10 cơ sở vi phạm hành chính (từ ngày 01/4/2024 đến ngày 05/4/2024) trong lĩnh vực kinh doanh dược.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 01/4/2024 đến ngày 05/4/2024 đơn vị này đã tiến hành xử phạt 10 cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu là do không báo cáo khi dừng hoạt động; không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật; Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược (không thực hiện ủy quyền theo quy định)...

Cụ thể, trong đợt xử phạt lần này điển hình có bà Nguyễn Thị Hậu- DS PTCM Quầy thuốc Phương Hạnh tại đội 11, thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội và bà Trần Thị Minh Hậu - DS PTCM Nhà thuốc A1 A1 khu đấu giá Ngô Thì Nhậm, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật nên cùng bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

 Nhiều nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội bị xử phạt. Ảnh minh họa

Tiếp đến, cùng bị xử phạt 6 triệu đồng có bà Bùi Hải Yến - DS PTCM Nhà thuốc Số 9 có địa chỉ tại số 90 Trần Tử Bình, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; bà Bạc Cẩm My - DS PTCM Nhà thuốc An Bình 6 tại số 56 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thảo - DS PTCM Nhà thuốc Thảo Anh tại số 7 phố 8/3, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. 

Nguyên nhân xử phạt là do người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược (không thực hiện ủy quyền theo quy định); Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật. Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Bị xử phạt 4 triệu đồng có 4 cơ sở gồm: Bà Lê Phương Ngân - DS PTCM Nhà thuốc Tâm Phúc tại số 109 ngõ 205 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; Bà Lâm Thị Phương Thảo - DS PTCM Nhà thuốc Đặng Hà tại số 25 Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Bà Lục Thị Vân - DS PTCM Nhà thuốc Tuyết Mai Số 245 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; ông Lê Hồng Dương - DS PTCM Nhà thuốc Thanh Sơn tại số 437 Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Nguyên nhân là do người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược (không thực hiện ủy quyền theo quy định). Niêm yết không đầy đủ giá thuốc tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật

Cuối cùng là bà Đỗ Thị Nghĩa Tình - DS PTCM Nhà thuốc Linh Anh có địa chỉ tại số 27 Giáp Bát, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp đã tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.

Căn cứ quy định tại Luật Dược 2016, kinh doanh dược là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ liên quan đến thuốc và nguyên liệu làm thuốc trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.

Theo đó Pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây liên quan đến hoạt động kinh doanh dược: Kinh doanh dược mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký.

Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại khoản 26 Điều 2 Luật Dược 2016 và thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác không đúng mục đích hoặc cung cấp không đúng đối tượng mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Kinh doanh dược không thuộc phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng.

Thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất; Thuốc thử lâm sàng; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc làm mẫu để đăng ký, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia trưng bày tại triển lãm, hội chợ; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được phép lưu hành; Thuốc thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc viện trợ và thuốc khác có quy định không được bán; Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc; bán lẻ vắc xin.

Bán thuốc cao hơn giá kê khai, giá niêm yết. Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để hành nghề hoặc kinh doanh dược.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang