Hạ tầng chất lượng tại Việt Nam ngày càng phát triển và hoàn thiện (Phần 3)

author 14:28 03/10/2023

(VietQ.vn) - Những năm vừa qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đáp ứng cơ bản nhu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

– Hệ thống 03 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007, Luật Đo lường 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Các Chương trình, đề án, văn bản kỹ thuật được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành TCĐLCL như Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh ST

– Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực TCĐLCL. Tổng cục TCĐLCL là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về TCĐLCL. Ngoài ra, Tổng cục TCĐLCL còn là cơ quan đại diện Việt Nam, là thành viên của nhiều Tổ chức quốc tế như ISO, IEC, PASC, APEC/SCSC, ASEAN/ACCSQ, GS1 Global…

– Mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH); tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN được quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về KH&CN với mục tiêu phản ánh tình hình và kết quả hoạt động KH&CN của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình hoạt động, hoạch định chiến lược, chính sách và xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN từng thời kỳ. Trong số 53 chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN, có 11 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực TCĐLCL[1].

Hằng năm, Tổng cục TCĐLCL là đơn vị chủ trì, phối hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia thu thập, tổng hợp 11 chỉ tiêu này. Sau 5 năm, việc thu thập số liệu các chỉ tiêu thuộc Thông tư 03/2018/TT-BKHCN đã có tác động tích cực, cụ thể: về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của ngành KH&CN phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý nhà nước khi đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng và hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành KH&CN; đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng thông tin thống kê, áp dụng dưới nhiều hình thức đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù hệ thống chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực TCĐLCL đã trở thành nguồn dữ liệu thống kê đáng tin cậy, tuy nhiên vẫn còn tồn tại bất cập, nhất là về số lượng chỉ tiêu thống kê không phản ánh toàn diện hiện trạng và định hướng phát triển của lĩnh vực TCĐLCL. Điều này tạo nên khó khăn, thách thức, yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê này, đặc biệt là trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của Việt Nam. Các hạn chế này thể hiện:

– Thứ nhất, các chỉ tiêu này mới phản ánh một phần, chưa khái quát được tình hình phát triển của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở phạm vi trong nội bộ quốc gia.

– Thứ hai, các chỉ tiêu này chưa phản ánh được tình hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Ví dụ, hiện nay mới chỉ thống kê số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được công bố nhưng chưa thống kê được hoạt động của Việt Nam tham gia vào Tổ chức Tiêu chuẩn hoá thế giới (ISO) được thể hiện ở tư cách thành viên của Việt Nam và số lượng các ban kỹ thuật của ISO mà Việt Nam là thành viên; tương tự, trong lĩnh vực ĐGSPH, hiện nay chỉ thống kê các tổ chức ĐGSPH đăng ký lĩnh vực hoạt động nhưng chưa thống kê được các tổ chức ĐGSPH này đã được công nhận bởi tổ chức công nhận hay chưa.

– Thứ ba, Thông tư 03/2018/TT-BKHCN hiện mới chỉ thống kê 01 chỉ tiêu thống kê trong tổng số 36 chỉ số của các cấu phần để tính toán chỉ số QI4SD[2]. Trong khi đó, 36 chỉ số để tính toán chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu là những chỉ tiêu đã được nghiên cứu, phân loại, chọn lọc để phản ánh toàn diện tình hình phát triển của ngành, tuy nhiên, chưa được thống kê một cách chính thức bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc thiếu số liệu thống kê dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc đánh giá thực trạng của ngành TCĐLCL, khó xác định định hướng phát triển tương lai của ngành TCĐLCL và khó khăn trong công tác quản lý các tổ chức ĐGSPH, các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, nhất là đối với các tổ chức có yếu tố nước ngoài.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc nghiên cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét bổ sung các chỉ số nêu trên vào chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN là vô cùng cần thiết.

(còn tiếp)

Lê Bích Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra

[1] (1) Số Tiêu chuẩn quốc gia được công bố, (2) Số Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được công bố, (3) Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương, (4) Số mẫu phương tiện đo được phê duyệt, (5) Số tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, (6) Số phương tiện đo, chuẩn đo lường được kiệm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, (7) Số Giấy chứng nhận về hệ thống quản lý cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, (8) Số doanh nghiệp đăng ký sự dụng mã vạch, (9) Số phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn được công nhận, (10) Số doanh nghiệp, tổ chức đạt giải thưởng chất lượng quốc gia, (11) Số tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký lĩnh vực hoạt động.

[2] Chỉ tiêu “Số lượng chứng nhận của ISO được công nhận” có nội dung trùng với chỉ tiêu 0907. Số giấy chứng nhận về hệ thống quản lý cấp cho tổ chức, doanh nghiệp tại Phụ lục I, Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang