Hà Tĩnh: Xử phạt 4 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

author 14:16 27/10/2023

(VietQ.vn) - Mới đây. lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 04 cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Hương Khê đang bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Đội QLTT số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất 04 cơ sở kinh doanh gồm: 02 cửa hàng giày dép, 01 cửa hàng phụ kiện - túi xách, 01 cửa hàng thời trang.

Tại thời điểm kiểm tra, 04 cơ sở kinh doanh trên đang bày bán hàng hóa là sản phẩm giày, quần, áo, túi xách mang các nhãn hiệu: Nike, Louis Vuiton, Adidas… Quá trình làm việc, chủ các cơ sở kinh doanh này không xuất trình được các hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

 Một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cơ quan chức năng đã phối hợp cùng với các Công ty chủ sở hữu của các nhãn hàng trên để làm rõ. Sau đó, đoàn kiểm tra xác định số hàng hóa được bày tại các cửa hàng nêu trên là hàng giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội QLTT số 3 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hành chính là 36 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy gần 200 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá hơn 30 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng. 

Theo điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang