Hai bước quyết định việc áp dụng thành công công cụ TPM tại doanh nghiệp sản xuất

author 16:40 08/11/2022

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, 2 bước cần thiết để TPM giúp doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng suất và hạn chế rủi ro là phát triển chương trình bảo dưỡng tự chủ; Phát triển chương trình bảo dưỡng định kì cho bộ phẩn bảo dưỡng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đối với phát triển chương trình bảo dưỡng tự chủ, đây là đặc điểm đặc trưng, quan trọng nhất của TPM. Hoạt động này nhằm quảng bá cho TPM trong toàn doanh nghiệp. Khi áp dụng ở doanh nghiệp càng có nhiều năm thành lập thì việc triển khai hoạt động bảo dưỡng tự chủ theo chuyên gia năng suất càng trở nên khó khăn. Trong đó, công nhân vận hành thiết bị và người chuyên trách bảo dưỡng thường khó thoát khỏi quan niệm “tôi là người sử dụng chúng còn trách nhiệm của bạn là sửa chữa chúng”.

Công nhân vận hành thiết bị thì cho rằng, mình phải tập trung vào sản xuất, vì vậy toàn bộ thời gian sẽ chỉ sử dụng cho vận hành thiết bị. Người chuyên trách bảo dưỡng thì cho rằng, mình chỉ có trách nhiệm trong việc bảo dưỡng. Những thói quen này và quan niệm cũ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Đây là một trong những lý do cơ bản khiến cho một tổ chức phải mất ít nhất hai hay ba năm để hoàn thành chương trình TPM, kể từ giai đoạn bắt đầu giới thiệu về TPM cho đến khi kết thúc và áp dụng thành công TPM.

Hai bước quyết định việc áp dụng thành công công cụ TPM tại doanh nghiệp sản xuất

TPM giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thông qua việc loại bỏ các lãng phí liên quan đến thiết bị và cải tiến chất lượng sản phẩm. 

Để thay đổi cách nghĩ, thói quen, môi trường và văn hóa làm việc của doanh nghiệp cần phải có khoảng thời gian nhất định. Điều quan trọng để áp dụng thành công TPM là tất cả mọi người từ lãnh đạo cao nhất đến công nhân trực tiếp sản xuất của doanh nghiệp phải luôn có sự tin tưởng rằng tất cả mọi người đều có khả năng thực hiện tự bảo dưỡng và mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với thiết bị mà họ sử dụng.

Công việc bảo dưỡng định kì sẽ được thực hiện bởi bộ phận chuyên trách bảo dưỡng nhưng cần phải phối hợp chặt chẽ với hoạt động tự bảo dưỡng của bộ phận khai thác, sử dụng thiết bị. Như vậy, hai bộ phận này phải vận hành đồng thời như hai bánh của một chiếc xe. Chương trình bảo dưỡng định kỳ nhằm tăng mức độ bảo dưỡng thiết bị theo bốn giai đoạn.

Thứ nhất, giảm sự không đồng nhất trong vòng đời chi tiết máy. Ở mức độ này, công việc đầu tiên là sửa chữa chi tiết hỏng và tiếp theo là loại bỏ các chi tiết thiết bị hỏng nặng.

Thứ hai, khi đã thực hiện những điều trên, các khiếm khuyết trong thiết kế có thể được khắc phục, do đó sẽ loại trừ khả năng hỏng hóc của máy.

Thứ ba, trong giai đoạn này, có thể dự đoán vòng đời của chi tiết máy, sau đó đề ra kế hoạch sửa chữa định kỳ. Lúc này đã có thể nhận dạng được các dấu hiệu và dạng hỏng hóc của từng loại chi tiết máy.

Cuối cùng, sử dụng các loại máy chẩn đoán để dự đoán vòng đời của chi tiết máy.

Hai bước quyết định việc áp dụng thành công công cụ TPM tại doanh nghiệp sản xuất

  Phát triển chương trình bảo dưỡng tự chủ là đặc điểm đặc trưng, quan trọng nhất của TPM.

TPM giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thông qua loại bỏ lãng phí liên quan đến thiết bị và cải tiến chất lượng sản phẩm, do đó mọi doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đều có thể triển khai áp dụng. Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng bởi doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rào cản trong quá trình thực hiện. Doanh nghiệp cần tập trung nỗ lực cải tiến vào hai đối tượng quan trọng đó là con người và máy móc thiết bị. Chúng ta không thể nâng cao hiệu suất thiết bị nếu không thay đổi được thái độ và kĩ năng của con người.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang