Hàn Quốc cân bằng chính sách năng lượng nhờ điện hạt nhân

author 18:04 30/09/2015

(VietQ.vn) - Hiện, Hàn Quốc đang vận hành 23 lò phản ứng hạt nhân với công suất 20.716 MW; đồng thời là một trong số ít quốc gia có công nghệ điện hạt nhân (ĐHN) có thể xuất khẩu trên thế giới.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo báo Hà Nội mới, hiện nay, điện hạt nhân đang giúp Hàn Quốc cân bằng chính sách năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện, điện khí… dần cạn kiệt.

Điện hạt nhân có thể xem như cứu cánh cho một nước phải nhập khẩu đến 97% nhu cầu năng lượng. Từ lò phản ứng đầu tiên đi vào vận hành tháng 4/1978, đến nay 20 lò phản ứng với tổng công suất gần 18 GW đang cung cấp 40% sản lượng điện của Hàn Quốc. Giá ĐHN của Hàn Quốc khá rẻ: 39 won/kWh.

Năng lượng hạt nhân được ưu tiên trong chiến lược phát triển năng lượng của Hàn Quốc với mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân sẽ đạt 27,3 GW và tỷ trọng điện hạt nhân sẽ tăng lên 56%. Hàn Quốc đang nỗ lực trở thành nước xuất khẩu công nghệ hạt nhân.

Điện hạt nhân đang đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chính sách năng lượng tại Hàn Quốc

Điện hạt nhân đang đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chính sách năng lượng tại Hàn Quốc

Theo Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA), chương trình ĐHN của Hàn Quốc được khởi động cách nay gần sáu thập kỷ. Trong thời gian đó, Chính phủ Hàn Quốc luôn cam kết mạnh mẽ về việc phát triển ĐHN vì mục đích hoà bình. Hàn Quốc cũng đầu tư liên tục cho phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác quốc tế nhằm xây dựng năng lực kỹ thuật và nhận được hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các hoạt động này đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng lòng tin quốc tế và khảo sát các xu hướng phát triển ĐHN toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã cử người tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế và thành lập các văn phòng ở nước ngoài.

Không chỉ vậy, dựa trên những cố gắng này, Cơ quan thực hiện chương trình ĐHN (NEPIO) đã sử dụng một cách hiệu quả mạng lưới thông tin giúp cho việc phát triển chương trình ĐHN Hàn Quốc. Bất cứ khi nào NEPIO phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, những bài học từ các quốc gia tham khảo được thu thập để giúp NEPIO đưa ra kết luận hợp lý.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển ĐHN, Hàn Quốc còn thuê một công ty tư vấn nước ngoài để có được sự bảo đảm về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những quyết định quan trọng.

Khu tổ hợp điện hạt nhân Gori tại Hàn Quốc

Khu tổ hợp điện hạt nhân Gori tại Hàn Quốc

Cùng với đó, Hàn Quốc đã rất chú trọng tới công tác an toàn ĐHN. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân cũng như xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Các kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp quy về an toàn của các nước có nền công nghiệp ĐHN phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Nga... đã được Hàn Quốc nghiên cứu tham khảo và vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào thực tiễn trong nước một cách hợp lý và độc lập.

Có thể thấy rằng, kinh nghiệm của Hàn Quốc để trở thành một nước tiên tiến trong lĩnh vực phát triển ĐHN là những bài học quý báu và có giá trị thực tiễn sâu sắc đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển ĐHN.

Mới đây nhất, Công ty Thủy điện và Điện Hạt nhân Hàn Quốc (KHNPC) sẽ xây dựng nhà máy điện hạt mới tại Yeongdeok, Bắc Gyeongsang, nước này trong năm 2026 và 2027, tờ Business Korea.

Cũng theo KHNPC, nhà máy ĐHN mới được xây dựng dựa trên công nghệ Hàn Quốc, đồng thời, quá trình xây dựng sẽ ngắn hơn đáng kể nhờ những kỹ thuật tiên tiến như hệ thống có thể tháo rời. Ngoài ra, nhà máy mới dự tính sẽ cung cấp điện thay thế cho lò 7, 8 của nhà máy nhiệt điện đốt than Yeongheung và lò 1, 2 của nhà máy nhiệt điện đốt than Dongbu Haslla.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang