Hàng giả bủa vây: Cần chiến dịch toàn diện để 'cứu niềm tin người tiêu dùng'

author 19:28 12/05/2025

(VietQ.vn) - Từ mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh đến thực phẩm, hàng giả đang len lỏi khắp kênh truyền thống lẫn online, đe dọa sức khỏe cộng đồng và bóp nghẹt doanh nghiệp chân chính.

Hàng giả không còn xa lạ tại Việt Nam nhưng mức độ ngày càng tinh vi và có tổ chức. Từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, dễ dàng bắt gặp sản phẩm "giống thật đến 90%" nhưng chất lượng trái ngược. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, hàng giả còn tàn phá niềm tin và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chỉ trong quý I/2025, hơn 2.000 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị xử lý. Các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất gồm mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng và linh kiện điện tử. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhiều cá nhân, tổ chức bị phạt hành chính rồi lại tiếp tục hoạt động dưới vỏ bọc mới.

Dù pháp luật hiện hành quy định mức phạt nặng – đến 15 năm tù hoặc 20 tỷ đồng với pháp nhân nhưng theo giới chuyên gia, chế tài chưa đủ sức răn đe. Lợi nhuận từ hàng giả quá lớn, trong khi quy trình xử lý còn thiếu hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính lại phải gánh thiệt hại kép: vừa mất thị phần, vừa bị nghi ngờ về chất lượng. Dù nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ như mã QR, truy xuất nguồn gốc, thậm chí blockchain nhưng chi phí cao và thiếu sự đồng bộ khiến hiệu quả chưa như mong muốn – đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần phát động một “chiến dịch vì niềm tin tiêu dùng” quy mô toàn quốc. Không thể chỉ trông chờ vào các đợt kiểm tra hay lực lượng Quản lý thị trường. Cần có sự phối hợp chủ động hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái hoành hành gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và niềm tin người tiêu dùng.

“Một nền kinh tế phát triển bền vững không thể dung túng hàng giả. Cần thay đổi thể chế, minh bạch chuỗi cung ứng bằng công nghệ xác thực như blockchain, mã định danh điện tử. Quan trọng nhất là hình thành văn hóa tiêu dùng có trách nhiệm", một chuyên gia nêu ý kiến.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng thật – hàng giả để hỗ trợ truy vết. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không chủ động cung cấp thông tin, không phối hợp xác thực thì rất khó xử lý triệt để.

Để người tiêu dùng trở thành “tai mắt” của hệ thống, cần đẩy mạnh giáo dục cộng đồng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (hiệu lực từ 1/7/2024) đã trao thêm nhiều quyền cho người mua như truy xuất nguồn gốc, khiếu nại tập thể, yêu cầu hoàn tiền khi mua phải hàng giả. Nhưng để luật thực sự đi vào đời sống, phải có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, từ báo chí đến mạng xã hội, trường học và tổ chức đoàn thể.

Giáo dục tiêu dùng thông minh cần bắt đầu từ nhà trường, thông qua các môn học hoặc hoạt động ngoại khóa. Một thế hệ người tiêu dùng hiểu biết là “lá chắn mềm” nhưng bền vững nhất trong cuộc chiến chống hàng giả. Tương tự, doanh nghiệp cần minh bạch chuỗi cung ứng, còn người dân cần có kỹ năng nhận diện, hành động đúng khi phát hiện vi phạm.

Thị trường chỉ có thể lành mạnh khi hàng giả không còn “đất sống”. Để làm được điều đó, không chỉ có luật mà cần quyết tâm chính trị, sự phối hợp đồng bộ và niềm tin xã hội. Đã đến lúc phát động một chiến dịch toàn diện vì niềm tin tiêu dùng, để bảo vệ người mua, doanh nghiệp thật và danh dự của thị trường Việt Nam.

Phạm Thanh Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang