Hình cảnh Việt Nam chống tội phạm quốc tế (kỳ 6)

author 16:40 27/05/2012

(VietQ.vn) - Sau nhiều cuộc hẹn lần lữa, tôi cũng được Đại tá Đặng Hữu Khang - Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam, dành cho cuộc trò chuyện. Cuối giờ nghỉ trưa, công việc của Đại tá vẫn đang... ngập đầu.

Bài 6: Cuộc trò chuyện canh trưa với chánh văn phòng interpol

Vừa rót chén trà, chuông điện thoại cầm tay đại tá đã reo liên hồi. Cuộc 'trò chuyện' với đầu dây bên kia chưa xong thì chuông điện thoại bàn lại réo lên như giục giã. Sau cuộc trò chuyện đó, tôi biết đại tá lại chuẩn bị lên phương án "tác chiến" chuẩn bị cho Đại hội đồng cảnh sát quốc tế sắp tổ chức tại Hà Nội. 

Theo Thượng tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, là một quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam chịu tác động trực tiếp của các loại tội phạm hoạt động ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức được sự cấp thiết của công tác hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm
 
Thông qua kênh hợp tác  interpol, Cảnh sát Việt Nam đã có những thông tin kịp thời, mới nhất về tình hình hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế; tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài với cơ quan Cảnh sát các nước. Trong 20 qua, Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 44.000 lượt thông tin về đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam; đã bắt giữ và trao trả hơn 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước và khu vực như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan Trung Quốc…; phối hợp Cảnh sát nước ngoài bắt giữ và tiếp nhận 49 đối tượng truy nã của Việt Nam, trong đó có những đối tượng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xếp vào danh sách nguy hiểm.

Vị đại tá với khuôn mặt hiền hậu tiếp lời bằng giọng nói nhỏ nhẹ. Hơn nửa đời người gắn bó với cuộc chiến đấu chống các loại băng nhóm tội phạm xuyên quốc tế, hơn ai hết Đại tá Khang nắm rõ từng đường đi, nước bước của các loại băng nhóm tội phạm. Từ lừa đảo, giết người cho đến buôn bán phụ nữ, trẻ em... không có loại tội phạm nào mà ông chưa từng "làm việc".

Theo lời Đại tá Khang, những năm trước, cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc tế gặp nhiều khó khăn phần vì thủ đoạn tinh vi của chúng phần vì chúng nắm được những sơ hở của pháp luật nên tìm mọi cách để trốn tránh. Đến năm 1991, Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức interpol quốc tế. 

Thông qua mối quan hệ hợp tác với cảnh sát các nước, Bộ Công an nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế liên quan. Qua các diễn đàn trao đổi thông tin giữa các quốc gia, chúng ta thể hiện được tiếng nói và vai trò của mình, trong đó vị thế của Cảnh sát Việt Nam nói riêng và quốc gia Việt Nam nói chung được nâng lên trong tiến trình hội nhập, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị. 
 
"Thông qua tổ chức interpol, cảnh sát Việt Nam đã tiến hành phòng ngừa từ xa hiệu quả các loại tội phạm từ bên ngoài vào trong nước hoạt động, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua kênh interpol, Cảnh sát Việt Nam cũng được nâng cao trình độ, năng lực chiến đấu. 
 
Quá trình mở cửa hội nhập quốc tế của nước ta, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng tạo ra những kẽ hở, điều kiện cho các đối tượng tội phạm người nước ngoài lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Các loại tội phạm người nước ngoài nổi lên ở hoạt động trộm cắp, lừa đảo cho đến tội phạm kinh tế, ma túy, buôn bán người có tổ chức; các loại tội phạm hình sự cũng từ đó tràn vào khá nhiều.  
 
Qua điều tra xác minh, phần lớn đối tượng này đều đã có quá trình phạm tội ở các nước sở tại rồi lẩn trốn sang Việt Nam. Đứng trước tình hình đó, Cảnh sát interpol Việt Nam đã tham mưu cho lãnh đạo công an các cấp, cùng phối kết hợp cảnh sát từ trung ương đến địa phương để bắt giữ chúng", Đại tá Khang chia sẻ. 
 
Trải qua nhiều trận "kình chiến" với tội phạm mang tầm quốc tế, Đại tá Khang đúc rút được cho mình những kinh nghiệm hết sức quý báu. Những kinh nghiệm này trở thành xương cốt của ngành công an trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia 
 
Đó không đơn giản chỉ là việc nắm bắt tình hình tội phạm người nước ngoài lợi dụng con đường thăm thân nhân, du lịch... vào Việt Nam để lẩn trốn và vi phạm pháp luật, mà hiện nay người Việt Nam phạm tội rồi trốn ra nước ngoài cũng không phải nhỏ.
 
"Nổi lên trong những năm qua là tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước trong khu vực vào Việt Nam. Cạnh đó là hoạt động mua bán người thông qua các tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp và kế đến là tội phạm liên quan đến hình sự như trộm cắp tài sản, lừa đảo xuyên quốc gia. Họ vào Việt Nam, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và kiến thức của người dân để chiếm đoạt tài sản. Đã có không ít các vụ sử dụng thẻ thanh toán, tín dụng giả để mua bán hay rút tiền tại các ngân hàng, cây ATM", vị đại tá với hơn 20 năm trong ngành cảnh sát chia sẻ.
 
Đại tá Đặng Hữu Khang, Chánh VP Interpol Việt Nam
Đại tá Đặng Hữu Khang - Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam
 
Liên quan đến hoạt động của tội phạm buôn người, sau cuộc trò chuyện về những kỉ niệm trong quãng thời gian đi đánh án, Đại tá Khang bộc bạch như trút hết nỗi lòng, rằng những vụ án liên quan đến việc mua bán trẻ em ra nước ngoài chủ yếu xảy ra trong khu vực các nước châu Á. Ở đây, các đối tượng phạm tội đã sử dụng thủ đoạn lợi dụng hoạt động du lịch, xuất khẩu lao động sang châu Âu, châu Á… rồi từ đó mở rộng đường dây buôn bán người. 
 
Trên thực tế đã xảy ra tình trạng nạn nhân của bọn buôn người bị lừa theo kiểu tự nguyện đi ra nước ngoài bằng "chiêu" hứa hẹn công việc có thu nhập cao, ổn định, song khi sang nước sở tại thì bị phát hiện và trục xuất về nước. Việc xác định các nạn nhân trong vụ án buôn người cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhiều người bị lừa sang nước ngoài rồi bị ép hoạt động mại dâm và bị bóc lột sức lao động…
 
Để chống lại hoạt động buôn người, cảnh sát các nước cũng đã mở nhiều cuộc hội thảo để đi đến thỏa thuận ký kết và công ước về hoạt động chống buôn người. 
 
Nói về những định hướng chiến lược cụ thể trong thời kỳ hội nhập hiện nay, khi ngành cảnh sát đấu tranh với tội phạm quốc tế, Đại tá Khang khẳng định: thời gian tới, lực lượng cảnh sát Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm. Tập trung làm tốt công tác nắm tình hình cả ở trong nước và  ngoài nước để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam. 
 
Bên cạnh đó, Cảnh sát Việt Nam sẽ tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ tác nghiệp, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ cho cán bộ cảnh sát làm công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố yếu nước ngoài… 
 
Ngoài ra, Cảnh sát Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai sớm mạng lưới sĩ quan liên lạc nhằm tạo thuận lợi cho sự phối hợp quốc tế giữa cảnh sát các nước; ngăn chặn từ xa sự thâm nhập của các tổ chức tội phạm quốc tế vào trong nước. 
 
Chia tay vị đại tá, tôi mới phần nào cảm nhận được những sự gian nan, vất vả của các chiến sĩ cảnh sát interpol Việt Nam. Đó không đơn giản chỉ là cuộc chiến bằng tiếng súng đạn mà nó còn là cuộc chiến âm thầm, lặng lẽ đang diễn ra hằng ngày ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả vì bình yên cuộc sống của người dân. 
 
Lưu Gia
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang