Hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất tỉnh Nam Định

author 16:40 21/03/2023

(VietQ.vn) - Thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Dự án nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may; cơ khí; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng… tham gia Dự án để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025), công cụ cải tiến NSCL (Kaizen, 5S, Lean Six Sigma)… và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Căn cứ theo quy mô và điều kiện hoạt động của từng doanh nghiệp.

Thông qua Dự án, đã có 150 lượt doanh nghiệp tham gia và được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến NSCL[1]; đã hình thành, thúc đẩy được phong trào NSCL trong phạm vi toàn tỉnh, qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường toàn quốc cũng như xuất khẩu.

Công ty TNHH Nam Dược đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa 

Dự án NSCL đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp khi đã nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của NSCL đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Xét về hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình công cụ cải tiến NSCL thích hợp đã tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên liệu, năng lượng… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Mặc du vậy, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn còn hạn chế tham gia sâu các chuỗi giá trị toàn cầu nên chưa có cơ hội hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học, công nghệ. Hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh tham gia chủ yếu ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày...). Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất (dệt, may mặc, da giày). Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đổi mới về khoa học công nghệ rất nhanh, nhưng đổi mới về tư duy, năng lực của lao động vận hành công nghệ không theo kịp; đội ngũ lao động trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa được trang bị chuyên môn, kỹ thuật.

Năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo (có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật/nghề từ 3 tháng trở lên) đạt 19,70%. Toàn tỉnh còn 80,30% dân số trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật; trong đó, khu vực nông thôn tỷ lệ lao động chưa được đào tạo chiếm tới 84,20%. Cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Trong những năm qua ngành KH&CN đã tập trung: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn góp phần tích cực vào tái cơ cấu Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp; Nâng cao nhận thức cho các tổ chức và cá nhân về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền được sử dụng các hàng hóa có chất lượng; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ KH&CN phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tạo động lực phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập; Lấy doanh nghiệp là trung tâm, triển khai hỗ trợ có hiệu quả việc phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh các các sản phẩm địa phương; Khuyến khích đông đảo các tập thể và cá nhân tham gia phong trào sáng kiến, sáng tạo; Tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 trong các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở kết hợp với tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; Quản lý tốt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Tập trung thanh tra, kiểm tra các vấn đề bức xúc trong xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, quyền lợi người tiêu dùng, sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh.

 Nhiều mặt hàng của DN Nam Định khẳng định được chất lượng trên thị trường

Tuy nhiên, vẫn các hoạt động KHCN vẫn tồn tại các hạn chế sau:

Do hoạt động KHCN cần sự tham gia của nhiều chủ thể quan trọng nhất là sự tham gia của doanh nghiệp, tuy nhiên với đặc điểm doanh nghiệp của tỉnh quy mô hộ gia đình và nhỏ lẻ; ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực KH&CN để tham gia các hoạt động này và năng lực của đơn vị thực hiện dự án còn hạn chế.

Thiếu nguồn cơ sở dữ liệu về các chuyên gia về công nghệ và quản lý công nghệ; nguồn cung công nghệ của các Viện, Trường...; Thiếu kiến thức, kỹ năng để xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Việc điều tra, khảo sát trình độ công nghệ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin về hiện trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ, gây khó khăn cho việc xác định nhu cầu về công nghệ.

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN khó thực thi và không thu hút. Kinh phí dành cho hoạt động KH&CN chưa được đầu tư đúng mức; Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất ít. Chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học.  

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng NSCL, hoạt động cải tiến năng suất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động NSCL dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về NSCL thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền… giúp doanh nghiệp cũng như cán bộ của các cơ quan quản lý nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về nâng cao NSCL, hình thành được phong trào NSCL trên địa bàn toàn tỉnh với mọi loại hình doanh nghiệp. Ưu tiên những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính và tham vọng cải tiến NSCL để hỗ trợ một cách toàn diện, xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu trong quá trình thực hiện các dự án nâng cao NSCL tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Hình thành được lực lượng chuyên gia về NSCL tại địa phương, trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng đắn về NSCL và triển khai các dự án hỗ trợ nâng cao NSCL cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Quyết định số 1322/QĐ-TTg và Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính. Phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục quảng bá các mô hình điểm về NSCL và đổi mới sáng tạo để tuyên truyền cho hoạt động NSCL trên địa bàn tỉnh.


[1] Các công ty điển hình tham gia dự án và đạt được kết quả tốt như: Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Công ty TNHH Công Phượng … 

ThS. Lê Xuân Biên - Viện Năng suất Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang