Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh

author 13:49 21/11/2023

(VietQ.vn) - Ngày 6/5/1951, tại Lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 70 năm qua, cán bộ ngành Ngân hàng luôn ghi nhớ những lời dạy của Người và tự hào vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng văn hóa quan trọng của nền tiền tệ Việt Nam, của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Cùng với đó là chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ngày 01/04/1963, Vietcombank chính thức khai trương hoạt động theo Nghị định số 115/CP ngày 30/10/1962 do Hội đồng chính phủ ban hành trên cơ sở tách ra từ Cục Ngoại hối trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tập thể cán bộ, người lao động Vietcombank luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vietcombank cũng đã tạo nên một bản sắc văn hóa đó là: Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sang đổi mới – Bền vững – Nhân văn.

Lần đầu tiên, Đảng ta đặt vấn đề học tập và làm theo di sản Hồ Chí Minh một cách toàn diện trong cấu trúc tổng thể.

Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 quy định về việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nội dung:

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Nội dung trên thể hiện phạm vi kêu gọi của chỉ thị đến toàn thể nhân dân, các cơ quan ban ngành, các cấp chính quyền. Việc học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được tiến hành thường xuyên liên tục và tự giác chứ không cần ép buộc để việc học tập đi sâu vào trong công việc, cuộc sống. Mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao kiến thức, tư tưởng vững vàng để công tác hiệu quả, nhận thức kịp thời rủi ro trong nền kinh tế thị trường đầy biến động.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở thành nguy cơ, thách thức hàng đầu đối với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong giai đoạn 2016 – 2021, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Trong năm 2022, vụ đại án Việt Á có 3 nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị bắt gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Vụ ‘chuyến bay giải cứu’ 37 người của 8 bộ, ngành bị bắt. “Tự diễn biến là tự biến đổi theo một chiều hướng nào đó”, còn “tự chuyển hóa là tự biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Đối với Việt Nam khi nói tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường chính trị - tư tưởng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong mốt số tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường do sự tác động từ bên ngoài thông qua các hoạt động tuyên truyền thù địch, sự tác động từ những biến động tiêu cực của tình hình thế giới như chiến tranh Ukraine, chiến sự Israel – Hamas. Kết hợp với sự tác động từ bên trong bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo… dẫn tới sự bất mãn, bất bình nghiêm trọng trong xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” biểu hiện trên nhiều mặt nên mỗi cán bộ tự rèn luyện học tập theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ngăn chặn được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Tự diễn biến” của Vietcombank qua ba cuộc đại suy thoái của nền kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh. Vietcombank một mặt vẫn đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ khách hàng đảm bảo khả năng kinh doanh, một mặt phải cắt giảm chi phí để duy trì bộ máy hoạt động an toàn và bền vững. Vì có khó khăn như thế nên không thê tránh khỏi một số biểu hiện “tự chuyển hóa” về đạo đức, tác phong, chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu. Nguyên nhân của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài.

Triển khai thực hiện làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh thông qua:

Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giữa "xây" với "chống”. Trong đó xác định “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Với sự ra đời của Nghị quyết 35-NQ/TW mở ra bước ngoặt mới, thể hiện đường lối, chủ trương đúng đắn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số như hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân ta; bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Đối với ngân hàng còn là bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả trong công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Lấy “xây” để “chống” và ngược lại; “xây” phải thực sự tốt nghĩa là tổ chức đảng phải trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên phải vừa hồng vừa chuyên thì “chống” mới thực sự phát huy tính tích cực, hiệu quả. Hai nhiệm vụ này phải tiến hành song song, thường xuyên, liên tục, bền bỉ bởi vì phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp, khó nhận diện đâu là đúng, đâu là sai nếu cán bộ, đảng viên không được trang bị cho mình vốn kiến thức, kỹ năng nhất định. Vietcombank đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu. Đảng bộ Vietocombank đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hình ảnh liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc ban hành, triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phương châm “Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn”; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Phát huy tinh thần tự giác, chủ động, sáng tạo, nêu gương của tập thể, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định về cho vay, thanh toán, quản lý rủi ro, chất lượn g dịch vụ.

Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Một là, cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn gian khổ cũng không rụt rè lùi bước. Đạo đức là thước đo lòng cao thượng của con người. Vì vậy, trong tiến trình phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của cán bộ, đảng viên càng trở nên quan trọng. Cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ chính là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Để làm tốt vai trò này, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có đức, có tài. Đặc biệt cán bộ phải thực sự gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo. Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên ngày ngày phải tiếp xúc với rất nhiều mặt tiêu cực của nền kinh tế, dễ bị cám dỗ bởi vật chất.

Hai là, cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Dám đổi mới sáng tạo trong thời đại công nghệ số là điều rất cần thiết, cán bộ, đảng viên tự mình không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo, sãn sàng thay đổi theo yêu cầu của thị trường. Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt hành động để đạt được mục tiêu Vietcombank đặt ra, dù khó khăn đến đâu cán bộ, đnagr viên cũng kiên cường đi lên không ngại và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của tập thể.

Như vậy, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ tài chính - ngân hàng là phải “chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”, vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của. Bác đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Có thể hiểu phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức thuộc về phạm trù “đức”, còn trình độ và năng lực chuyên môn thuộc về phạm trù “tài”. Song việc tạm tách như vậy chỉ mang tính chất tương đối, bởi ngay trong từng việc cụ thể, đức và tài bao chứa ở trong nhau. Trong một chừng mực nào đó, giữa hai phạm trù đức và tài trong đạo đức của người cán bộ luôn cần sự thể hiện thống nhất như một chỉnh thể. Việc đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có đức, có tài trong thực thi công vụ là Bác muốn đề cập tới những tiêu chuẩn chung nhất, quan trọng nhất của người cán bộ ngân hàng, thể hiện qua những hành vi cụ thể trong quá trình phục vụ nhân dân.

          Bác cũng đã căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.

          Trong những lời căn dặn của Bác, văn hóa, đạo đức đối với người cán bộ ngân hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Vì cán bộ ngân hàng giữ tiền của cho Nhà nước, cho nhân dân, nên phải nêu cao đạo đức cách mạng, phải trong sáng, liêm chính…, song song đó cũng phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu để quản lý được tiền của cho Nhà nước, cho nhân dân, để không bị thất thoát, lãng phí, đồng thời phải tăng thêm của cải cho xã hội. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của cán bộ ngân hàng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Đối với nền tiền tệ Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành biểu tượng của một nền tiền tệ độc lập, tự chủ của Nhà nước Việt Nam mới.

 

Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ Cách mạng đã khẩn trương xây dựng một nền tiền tệ độc lập, với việc phát hành tiền Việt Nam trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nền tiền tệ Việt Nam non trẻ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự phá hoại của thực dân Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch. Vì vậy, trong giai đoạn đầu (1945 - 1954), tiền Việt Nam chưa được sử dụng thống nhất ở cả ba miền đất nước, mà phải hình thành ba khu vực tiền tệ riêng biệt là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Mặc dù phải lưu hành ba loại giấy bạc khác nhau ở ba miền, nhưng các tờ giấy bạc Việt Nam đều in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhân dân tin tưởng gọi là “Giấy bạc Cụ Hồ”. Trong giai đoạn khó khăn ấy, nhiều tờ giấy bạc trong lưu thông bị rách nát nhưng dân chúng vẫn tiêu dùng và truyền nhau “còn một sợi râu của Cụ Hồ là còn tiêu được”. Như vậy, có thể thấy, giá trị biểu tượng to lớn của chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền tiền tệ Việt Nam, biểu trưng cho ý nguyện thiêng liêng nhất của quốc gia là độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Tiền Việt Nam, từ bộ tiền đầu tiên đến bộ tiền hiện hành, chân dung duy nhất trên các tờ tiền chính là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một sự khác biệt lớn so với tiền của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Úc, Hàn Quốc, Nhật… sử dụng nhiều chân dung của những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của lịch sử đất nước. Với tính chất “duy nhất” của chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam, có thể thấy, hình ảnh Bác trên tiền giấy không chỉ là biểu tượng của sự thống nhất tuyệt đối về mặt ý chí của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là khát vọng về sự thống nhất lãnh thổ, sự thống nhất của nền tiền tệ độc lập, tự chủ, đồng thời thể hiện tình cảm và sự kính trọng của nhân dân đối với Bác.

 Trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở hai miền Nam - Bắc rất khó khăn và biến động phức tạp, song nền tiền tệ Việt Nam vẫn đảm bảo tự chủ và vô cùng linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn khó khăn ấy, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy là một biểu trưng cao đẹp được lưu hành rộng rãi, góp phần làm tăng thêm ý chí và sức mạnh tinh thần để cán bộ ngân hàng cùng nhân dân cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành trọn đòi mình để giành độc lập cho tổ quốc, cho dân tộc. Một con người nhỏ bé trước những cường quốc nhưng vẫn hiên ngang dám chiến đấu, dám đấu tranh, cũng bởi trong con người ấy là cả một cốt cách, tinh thần đầy tự hảo vì dân tộc. Ngân hàng như mạch máu trong cuộc kháng chiến, trong thời bình ngân hàng là người bạn, người đồng hành tin cậy với doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế phát triển. Thấm nhuần lời dạy của Bác “cán bộ là gốc của mọi công việc”, hơn nữa “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cho nên việc nêu gương trong ngành Ngân hàng luôn được các cấp chú trọng và thực hiện nghiêm túc, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động học hỏi, tự “sửa mình” và rèn luyện đạo đức, nâng cao văn hóa nghề nghiệp. Từ những đức tính, phẩm chất đạo đức mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngân hàng, trong những năm qua, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng đã cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân.

Lê Huy Hợp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang