ISO 21001:2018: Hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục

author 16:59 10/11/2020

(VietQ.vn) - Giáo dục là một hoạt động đặc biệt và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chất lượng giáo dục luôn là yếu tố quan tâm của toàn xã hội. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố tiêu chuẩn ISO 21001:2018 về Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) với những yêu cầu đặc thù cho Tổ chức giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu thứ 4 về chất lượng giáo dục trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc là Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Để thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn này tại Việt Nam, năm 2019, tiêu chuẩn này đã được chấp nhận hoàn toàn tương đương thành TCVN ISO 21001:2019.

Giáo dục là một hoạt động đặc biệt và có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì đối tượng của giáo dục là con người, và con người thì vừa là mục tiêu hướng tới trong quá trình phát triển xã hội, vừa là động lực cho sự phát triển xã hội. Chính vì vậy chất lượng giáo dục luôn là yếu tố quan tâm của toàn bộ xã hội trong suốt quá trình phát triển của nhân loại.

img-9942

Giáo dục cũng khác biệt với các lĩnh vực khác đó là quá trình giáo dục thành công sẽ tối đa hóa cơ hội thành công cho người học và đóng góp lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong giáo dục lại cần sự nỗ lực và năng lực của cả tổ chức giáo dục và người học. Việc học tập đòi hỏi nỗ lực nội tại của người học đối với tri thức, phương pháp và kỹ năng. Tổ chức giáo dục khích lệ nỗ lực nội tại này và đưa ra khuôn khổ, cung cấp đầu vào, các quá trình và tài nguyên học tập, đến cuối cùng chính là những nỗ lực và năng lực của người học sẽ quyết định sự thành công của quá trình giáo dục.

Chính từ nhu cầu thường xuyên và thiết yếu của các tổ chức giáo dục trong việc đánh giá mức độ tổ chức giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm, bên hưởng lợi khác; mức độ tổ chức giáo dục đạt được thành công trong hoạt động giáo dục, cũng như nâng cao năng lực của tổ chức giáo dục trong việc duy trì liên tục việc thực hiện này; tháng 02 năm 2014, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) bắt đầu triển khai xây dựng tiêu chuẩn về HTQLCL cho tổ chức giáo dục và đến 04/2018 chính thức ban hành tiêu chuẩn ISO 21001:2018.Tiêu chuẩn này cũng là một trong các tiêu chuẩn của ISO giúp thực hiện mục tiêu thứ 4 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về Chất lượng giáo dục là Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;

Tiêu chuẩn ISO 21001 được xây dựng nhằm áp dụng cho các tổ chức giáo dục cung cấp, chia sẻ, hỗ trợ và xây dựng tri thức thông qua giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu. Vì vậy, tiêu chuẩn có thể áp dụng cho hệ thống quản lý của các tổ chức giáo dục sử dụng chương trình giảng dạy để hỗ trợ phát triển năng lực thông qua giảng dạy, học tập hoặc nghiên cứu, không phân biệt loại hình, quy mô hay phương pháp cung cấp.

Đây là một tiêu chuẩn về hệ thống quản lý độc lập được xây dựng theo cấu trúc cấp cao cho các tiêu chuẩn của ISO về hệ thống quản lý. Các yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn này cũng giống với ISO 9001 nhưng có những phần mang tính đặc thù cho tổ chức giáo dục. Bên cạnh đó tiêu chuẩn cũng cung cấp các hướng dẫn chi tiết hữu ích cho việc thực hiện một số yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục.

ISO 21001 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức giáo dục, người học và các bên quan tâm có liên quan khác, với các quá trình giáo dục ngày càng tập trung nhiều hơn vào sự đồng sáng tạo nhằm cung cấp giáo dục có chất lượng trong môi trường thách thức mới, trong đó các mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp mang tính truyền thống dần được thay bằng quan hệ đối tác hợp tác.

Hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục theo ISO 21001 được thiết lập dựa trên nền tảng 11 nguyên tắc, trong đó phải kể đến một số nguyên tắc mang tính đặc thù của hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục, như:

- Hướng vào người học và các bên hưởng lợi khác: Thành công bền vững đạt được khi một tổ chức giáo dục có thể giải quyết được yêu cầu của mọi người học, đồng thời thu hút và giữ được lòng tin của các bên hưởng lợi khác như người sử dụng lao động, cha mẹ và chính phủ. Các tổ chức thành công thực hiện công việc để đảm bảo rằng từng người học thực hiện với tiềm năng cao nhất của họ. Mỗi hoạt động được thực hiện với tổ chức giáo dục đều mang lại cơ hội tạo ra nhiều giá trị hơn cho người học và các bên hưởng lợi khác;

- Sự lãnh đạo về tầm nhìn: Sự lãnh đạo về tầm nhìn là việc lôi cuốn người học và các bên hưởng lợi khác cùng tham gia vào việc tạo lập, xây dựng và thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức;

- Trách nhiệm xã hội: tổ chức giáo dục chịu trách nhiệm về các tác động của các quyết định và hoạt động của mình tới xã hội, kinh tế và môi trường thông qua sự minh bạch và ứng xử đạo đức;

- Khả năng tiếp cận và sự bình đẳng: Các tổ chức giáo dục cần đảm bảo rằng nhóm người rộng nhất có thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ giáo dục của mình, tùy thuộc vào các ràng buộc và nguồn lực của họ. Tổ chức cũng cần đảm bảo rằng tất cả người học có thể sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ đó một cách công bằng;

- Ứng xử có đạo đức trong giáo dục: Khả năng của tổ chức trong việc tạo ra môi trường đạo đức chuyên nghiệp, trong đó tất cả các bên quan tâm đều được đối xử công bằng, tránh xung đột lợi ích và các hoạt động được thực hiện vì lợi ích xã hội. Để thành công bền vững, tổ chức cần xây dựng hình ảnh chính trực (trung thực và công bằng) trong đối xử với tất cả các bên quan tâm. Nhân viên của tổ chức cần giữ mình ở tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất trong mọi ứng xử;

- An toàn và bảo vệ dữ liệu: Tổ chức tạo lập môi trường trong đó tất cả các bên quan tâm có thể tương tác với tổ chức giáo dục với đầy đủ niềm tin rằng họ duy trì được kiểm soát đối với việc sử dụng dữ liệu về chính mình và tổ chức giáo dục sẽ xử lý dữ liệu của họ với sự thận trọng và bảo mật thích hợp.

Tổ chức giáo dục có thể đưa ra các tuyên bố về chính sách dựa trên khuôn khổ văn hóa của tổ chức (tập hợp hoàn chỉnh về lòng tin và các giá trị hình thành nên hành vi ứng xử của tổ chức) và các nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng. Tiếp đó, các tuyên bố về chính sách đưa ra khuôn khổ cho việc thiết lập các mục tiêu, những mục tiêu này được xem xét định kỳ để đảm bảo sứ mệnh của tổ chức giáo dục được thực hiện một cách hiệu lực và hiệu quả trên hành trình hướng tới việc đạt được tầm nhìn của tổ chức giáo dục.

Việc áp dụng tiêu chuẩn giúp thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín của tổ chức giáo dục thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, chuyên biệt hóa việc học tập đáp ứng cho tất cả người học, bao gồm cả những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt, người học từ xa và cơ hội học tập suốt đời; việc áp dụng tiêu chuẩn cũng là cách thức chứng tỏ cam kết của tổ chức giáo dục với việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm có liên quan; thúc đẩy văn hóa cải tiến, khích lệ sự xuất sắc và đổi mới trong tổ chức giáo dục. 

Năm 2019, một năm sau khi Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế công bố ISO 21001:2018, để thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn này tại Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế này đã được chấp nhận hoàn toàn tương đương thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 21001:2019.

Bộ Công Thương áp chuẩn ISO cho 64 thủ tục hành chính(VietQ.vn) - Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về áp dụng HTQLCL ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 10/11/2020, đoàn công tác của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Lê Xuân Định làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương.

Ths. Màn Thủy Giang, Trưởng phòng - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

(Theo Chất lượng và Cuộc sống)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang