Lưu ý khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh giúp da mềm mại, an toàn

authorNgọc Nga 06:25 21/09/2022

(VietQ.vn) - Kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh có thể giúp làn da bé đỡ khô, bong tróc khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên cần lưu ý khi lựa chọn và dùng sản phẩm này.

Da của trẻ sơ sinh có thể thay đổi rất nhiều trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời. Trước khi rời bệnh viện hoặc trong vài ngày về nhà, làn da của trẻ sơ sinh có thể bắt đầu bong tróc. Điều này là hoàn toàn bình thường đối với bé sơ sinh. Lột da có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, chẳng hạn như bàn tay, lòng bàn chân và mắt cá chân.

Trẻ sơ sinh khi còn trong bụng mẹ được bao phủ bởi một lớp bã nhờn thai nhi, giúp bảo vệ làn da bé tiếp xúc trực tiếp với nước ối. Khi lớp bã nhờn thai nhi không còn nữa thì da của bé bắt đầu bong tróc trong vòng từ 1 đến 3 tuần. Số lượng da bong tróc tuỳ thuộc vào tình trạng quá trình bé được sinh ra đời: bé sinh non hay sinh đủ tháng. Đối với trẻ sinh non thường sẽ có nhiều lớp bã nhờn thai nhi hơn so với trẻ được sinh ra trong hoặc sau 40 tuần.

Lựa chọn kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần lưu ý tới các thành phần để tránh gây hại làn da. Ảnh minh họa 

Một số nguyên nhân khác có thể gây bong tróc da ở trẻ như bệnh chàm. Trong một số trường hợp bong tróc và khô da là một tình trạng bệnh về da còn gọi là bệnh chàm hay viêm da dị ứng. Bệnh có thể gây ra các mảng khô, đỏ, ngứa trên da bé. Tình trạng này hiếm gặp trong giai đoạn ngay sau sinh, nhưng có thể phát triển muộn hơn ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính xác của tình trạng này cũng chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có thể xác định nguyên nhân của bệnh do một số yếu tố kích hoạt bùng phát bệnh như tiếp xúc với chất gây kích ứng da như dầu gội và các loại chất tẩy rửa.

Bệnh vảy cá. Da bé bị bệnh này sẽ tạo ra vảy, ngứa và bong da. Hiện vẫn chưa có cách điều trị hoàn toàn được bệnh vảy cá, nhưng để làm giảm các triệu chứng khô da và cải thiện tình trạng da có thể nên dùng kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh.

Để cải thiện làn da mỏng manh của trẻ nhiều cha mẹ đã tìm đến những sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm này mẹ cần đặc biệt lưu ý tới những thành phần sau:

Hương liệu (nước hoa)

Hầu hết mọi người đều thích thú khi cưng nựng một em bé có mùi thơm đáng yêu. Nhưng thành phần tạo mùi hương trong các sản phẩm dưỡng da có thể gây phản ứng dị ứng cho bé, chẳng hạn như phát ban và dị ứng đường hô hấp. Do đó, khi lựa chọn các sản phẩm kem dưỡng da cho trẻ sơ sinh, mẹ nên lưu ý tránh chọn các sản phẩm có thành phần tạo mùi thơm được ghi ngoài nhãn.

Phẩm màu

Hầu hết các phụ gia và hóa chất tạo màu thêm vào các sản phẩm dưỡng da hiện nay đều được FDA quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, một số phẩm màu có nguồn gốc thực vật, động vật hay khoáng vật thì không thuộc quy định quản lý này và mẹ cần xem kỹ thành phần sản phẩm để đảm bảo chúng không chứa các loại phẩm màu trước khi dùng cho trẻ.

Paraben

Paraben là chất bảo quản không còn xa lạ với mọi người, thường gặp nhất trong các sản phẩm làm sạch da và tóc như sữa tắm và dầu gội. Tuy nhiên, đây cũng là nhân tố gây kích ứng da hàng đầu mà mẹ cần lưu ý. Đồng thời, paraben cũng có khả năng hấp thu qua da và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và điều hòa hormone của cơ thể. Do đó, mẹ cần hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với thành phần chất bảo quản này trong mỹ phẩm.

Phthalates

Phthalates là một trong nhóm hóa chất quen thuộc trong thành phần các sản phẩm dưỡng da. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm hóa chất này có khả năng gây dị ứng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Hiện nay chỉ có diethyl phthalate (DEP) là phthalate duy nhất vẫn thường được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.

Formaldehyde

Đây là thành phần kháng khuẩn phổ biến trong sản phẩm dưỡng da nhưng đồng thời cũng gây kích ứng với những làn da nhạy cảm với nó. Đặc biệt là làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh, mẹ cần đọc kỹ nhãn thành phần kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh để đảm bảo không chứa thành phần formaldehyde.

Propylene glycol

Còn được gọi là cồn khô được dùng trong kem dưỡng ẩm hay kem chống nắng với khả năng giúp làm mềm da. Nhưng đây cũng là một trong các tác nhân gây kích ứng ở da trẻ sơ sinh mà mẹ cần phải quan tâm.

Sulfat

Đây là một thành phần gây kích ứng nhưng khó tránh khỏi trong các sản phẩm chăm sóc da. Sulfat thường hiện diện trong xà phòng hay dầu gội dưới dạng natri lauryl sulfat, natri laureth sulfat. Dù không hẳn là nguy hiểm nhưng trẻ có thể nổi mẩn đỏ, ngứa và khô ráp da sau khi dùng các sản phẩm có chứa sulfat.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang