Khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều

author 17:05 08/03/2018

(VietQ.vn) - Trải qua thời gian 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 19 đã đi sâu vào đời sống xã hội, tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Các chỉ số cạnh tranh, sáng tạo tăng mạnh

Trong 4 năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng. Cụ thể, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.

Ngoài ra, trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch đã tiến hành đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016. Đến nay, 2 trong 3 tổ chức (gồm Moondy’s và Fitch) đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực.

Mặc dù thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực, nhưng vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực. Ví dụ như hiệu quả thị trường hàng hoá; chất lượng cơ sở hạ tầng; giáo dục; trình độ phát triển kinh doanh; một số chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như khởi sự kinh doanh - thứ 123; giải quyết phá sản doanh nghiệp – thứ 129); Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc. Ảnh minh họa 

Về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết, vì vậy hầu hết báo cáo đã bám sát các nội dung theo yêu cầu. Tuy vậy, một số địa phương vẫn còn báo cáo chung chung, chủ yếu là nêu thành tích, các giải pháp triển khai còn mang tính hình thức.

Về phía cơ quan Trung ương, các Bộ gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và VCCI đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết và đạt một số kết quả rõ ràng. Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, nhờ vậy kết quả thực hiện được cập nhật kịp thời.

Về phía địa phương, nhìn chung chất lượng các báo cáo đã có nhiều cải thiện. Các địa phương gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,… có báo cáo khá chi tiết, thể hiện kết quả cụ thể. Còn khoảng 10 địa phương báo cáo chung chung, không bám sát Nghị quyết hoặc không đánh giá kết quả. Hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được thực hiện ở tất cả các địa phương. Đã có những sáng kiến cải cách TTHC, nhưng chưa nhiều, chủ yếu vẫn tập trung vào một số tỉnh, thành phố (như Quảng Ninh, Bắc Ninh,...).

Như vậy, nhìn chung các Bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm, chú trọng và vào cuộc nhiều hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 19. Tuy nhiên, mức độ thực hiện các giải pháp và kết quả đạt được còn ít và chậm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết cũng như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP (ngày 31/8/2017) và Nghị quyết 98/NQ-CP (ngày 3/10/2017) giao các Bộ “rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành…”. Thực hiện nhiệm vụ này, mới chỉ có 2 Bộ (gồm Công Thương và Xây dựng) có dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh. Nghị định do Bộ Công Thương dự thảo đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định do Bộ Xây dựng dự thảo đã trình thẩm định.

Đã có 2 Bộ (gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh; nhưng chưa nêu phương án sửa đổi. Còn Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ nguyên các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng do ngành nghề đặc thù. Như vậy, mới chỉ có 5 Bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các Bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa.

Các quy định về điều kiện chung mặc dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Môi trường, Lao động- Thương binh và Xã hội,… nhưng các Bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này. Vẫn còn giữ lại những điều kiện kinh doanh không cần thiết; hoặc được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, các Bộ, ngành đã nắm rõ yêu cầu về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Một số Bộ (Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Xây dựng) đã có hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, nhờ vậy tạo một số chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Thời gian thực hiện một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được rút ngắn hơn trước.

Mức độ cải thiện trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: VnMedia

Tuy vậy, nhìn chung mức độ cải thiện trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm; những trở ngại, vướng mắc trước đây gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp chưa được khắc phục. Cụ thể như danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng, thậm chí có mặt hàng/ nhóm mặt hàng mở rộng hơn so với phạm vi cho phép của luật.

Quản lý chuyên ngành chồng chéo giữa các Bộ vẫn chưa được cải thiện (ngoại trừ những thay đổi tích cực trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Nghị định 15 thay thế Nghị định 38). Chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn, gây ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cắt giảm chi phí doanh nghiệp”. Thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn dài…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ theo các thông tin nhận được cho đến nay, các Bộ, cơ quan, địa phương đã quan tâm hơn tới việc thực hiện Nghị quyết 19. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, và các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết, nhất là việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh và cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã tổ chức thường xuyên các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, trong khi hầu hết các Bộ quản lý chuyên ngành ít coi trọng nội dung này.

Tại cuộc họp ngày 7/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu trong năm 2018, phải khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều ở các bộ ngành Trung ương.

“Câu chuyện ‘trên nóng, dưới chưa nóng’ không chỉ từ Trung ương xuống địa phương mà ở ngay trong một bộ đến cấp cục, cấp chuyên viên, chi cục, thậm chí đơn vị sự nghiệp có liên quan. Kiểm tra, đôn đốc rồi thì cần công khai những bộ ngành, địa phương làm tốt, những nơi làm chưa tốt, không tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự kiến Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ sớm được Chính phủ ban hành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, Tổng cục TCĐLCL được phân công chủ trì tổ chức cải thiện 7 chỉ số, trong đó có 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số ĐMST, đó là “Số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $PPP GDP”; “Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ $PPP GDP” và “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động).

“Số liệu số chứng chỉ ISO 9001. ISO 14001 được WIPO sử dụng để tính toán trong Chỉ số ĐMST toàn cầu được lấy từ số liệu khảo sát của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO. Theo công bố của Tổ chức ISO, số chứng chỉ ISO 9001 của Việt Nam năm 2015 là 4.148, số chứng chỉ ISO 14001 là 1.198. Như vậy, số chứng chỉ ISO 9001, ISO 14001 tăng so với 2014”, ông Linh thông tin.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì GDP tính theo PPP năm 2015 của Việt Nam là 553.491 tỷ USD. Dựa vào số liệu này, chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 ( tăng 1,4% so với năm 2016), chỉ số ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam là 2,2 (tăng 37,5% so với năm 2016).

Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL cho biết, hiện nay các chỉ số này đang tiếp tục tăng so với các năm trước liên quan tới các hoạt động mà Tổng cục triển khai thực hiện trong các năm qua như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001; Đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý vào tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Phong Lâm

Những 'trái ngọt' sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19(VietQ.vn) - Qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot