Khai thác tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc

author 06:49 16/02/2023

(VietQ.vn) - Nhóm hàng nông lâm thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, giúp cải thiện, rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước.

Thời gian qua, nhóm hàng nông lâm thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, giúp cải thiện, rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước. Số liệu thống kê chỉ ra, riêng trong lĩnh vực nông thủy sản năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 14,2 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2021.

 Trung Quốc là thị trường tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam trải dài trên 17 vĩ độ, với các vùng tiểu khí hậu, tập quán canh tác của các dân tộc tạo ra các sản phẩm chất lượng và mang tính đặc thù, đặc sản trên thế giới.

“Các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần phát huy được những sản phẩm chủ lực, đặc biệt là tạo dựng nên các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói chung và hướng đến hơn 400 triệu người tiêu dùng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh nhiều thuận lợi thì đến nay Trung Quốc được đánh giá không còn là thị trường dễ tính và đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) từng chia sẻ, mấy năm vừa rồi, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, cùng đó ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.

Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nông Ngọc Trung, đại diện 1 doanh nghiệp đã có gần 30 năm xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cho biết, nông sản Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là xuất thô, xuất tươi nên thời gian tới rất cần đầu tư sâu vào chế biến.

“Hệ thống sản xuất, chế biến nên hợp tác song phương với các đối tác, bạn hàng, chuỗi phân phối của Trung Quốc như siêu thị, trung tâm thương mại điện tử… để làm sao việc xuất khẩu vào nước bạn sẽ yên tâm hơn. Khi hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, mã đóng gói… xuất khẩu theo con đường chính ngạch chính là xu thế hiện nay”, ông Trung đưa ra đề xuất.

Được biết, hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu. Lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là rất lớn, công suất nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt vào mùa vụ hay bị ứ đọng, máy chạy không kịp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang