Khám bệnh tự nguyện: Vì sao chưa áp giá trần?

author 06:17 16/04/2015

(VietQ.vn) - Theo Bộ Y tế, nếu áp giá trần khám bệnh tự nguyện sẽ khiến các cơ sở tư nhân chất lượng chưa cao sẽ tăng viện phí "kịch trần".

Chỉ còn 2 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện thông tư về khung giá dịch vụ y tế khu vực khám bệnh tự nguyện.

Trả lời Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Tài chính, Bộ Y tế cho biết, đây là công việc cực kỳ phức tạp, vì có đến hàng chục nghìn dịch vụ y tế.

Mặt khác, mỗi nơi lại có lý luận khác nhau về mức giá viện phí mà mình thu, nên rất khó "đánh đồng". Đặc biệt, các phòng khám Giáo sư thường phải trả "thù lao" cao nên tiền khám cũng cao.

Viện phí khu vực khám bệnh tự nguyện - theo yêu cầu sẽ có điều chỉnh?
Viện phí khu vực khám bệnh tự nguyện - theo yêu cầu sẽ có điều chỉnh? Ảnh: HT

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số dịch vụ ở bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (được phần lớn Nhà nước đầu tư) lại thu cao hơn các bệnh viện tư nhân (do tư nhân đầu tư). Tương tự, giá khám nội soi Tai Mũi Họng của bệnh viện Bạch Mai cũng lên đến 200 nghìn (khám giáo sư).

Tại khoa khám bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Phụ sản Trung ương thu 12 triệu cho 5 ngày nằm viện.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, giá dịch vụ khám chuyên khoa có hẹn cho các cháu nhỏ là 580 nghìn đồng/lần, khám đa khoa có hẹn là 390 nghìn đồng/lần, khám chuyên khoa không hẹn là 680 nghìn đồng/lần, khám đa khoa không hẹn là 580 nghìn đồng/lần... Đây là mức giá mà ngay cả những gia đình giàu có cũng phải “nhăn mặt”.

Tương tự, giá một số dịch vụ của bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng khiến người bệnh băn khoăn, vì không hề thấp hơn dịch vụ bệnh viện tư.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai lý giải, căn cứ vào Nghị định 95 và 43, Thông tư 14...việc khám chữa bệnh theo yêu cầu phải trả đủ chi phí và bệnh viện được thu một phần để tích lũy.

Việc thu – chi thế nào là do người đứng đầu đơn vị quy định.

Còn ông Đỗ Đức Chi, Phó Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, đơn vị này căn cứ vào Thông tư 04 quy định giá viện phí theo 7 tiêu chí như vật tư tiêu hao, duy tu bảo dưỡng, tiền lương, khấu hao thiết bị, tái đầu tư...Mặt khác, hiện nay nhà nước chỉ cấp 5% chi thường xuyên cho bệnh viện nên nhiều khoản phải tự túc...

Ông Chi cũng cho biết, giá khám chữa bệnh do các giáo sư tiến hành cao là do các chuyên gia này đòi thù lao cao, nên bệnh viện phải nâng giá dịch vụ.

Còn lãnh đạo một bệnh viện Trung ương khác cũng cho biết, vì phải tự chủ tài chính nên họ phải thu khu vực tự nguyện cao để “lấy thu bù chi” và thậm chí là bù đắp cho khu vực khám bảo hiểm, như là “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.

Để giảm viện phí, bệnh nhân có thể đăng ký khám bảo hiểm. Theo quy định hiện hành, bắt đầu từ ngày 1/1/2015 quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) chỉ thanh toán theo 3 mức hưởng quy định với tỷ lệ 40%, 60% khi điều trị nội trú đối với Bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, không thanh toán 30% đối với khám chữa bệnh ngoại trú. Riêng  Bệnh viện tuyến huyện vẫn thanh toán 70% cho cả trường hợp nội trú và ngoại trú.

Nếu người bệnh đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ, đúng tuyến điều trị và đủ thủ tục theo quy định thì được Quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng.

Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT nhất là những trường cần thiết phải vào điều trị nội trú, Luật đã quy định được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với Bệnh viện tuyến huyện và thanh toán chi phí điều trị  nội trú đối với Bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến.

Thu Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang