Khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

author 18:42 07/09/2021

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chủ trì, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 232/TB-VPCP ngày 6/9/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Thông báo nêu rõ, thanh toán không dùng tiền mặt có tầm quan trọng, đem lại nhiều lợi ích như: An toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...

Đảng, Chính phủ đã có các chủ trương về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho từng giai đoạn để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, sau khi kết thúc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động, xây dựng, xin ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025.

Về cơ bản các cơ quan nhất trí với các ý kiến tiếp thu, giải trình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với một số ý kiến tham gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, làm rõ thêm một số nội dung, chương trình thực hiện cụ thể để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan tại cuộc họp, hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chất lượng, thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra, có thể đánh giá được kết quả thực hiện, tập trung vào một số nội dung quan trọng sau:

Về đánh giá kết quả đạt được của Đề án giai đoạn trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu bổ sung thêm những nội dung mang tính chất trọng yếu làm cơ sở đánh giá việc thực hiện mục tiêu, giải pháp của giai đoạn trước; nêu rõ những mục tiêu lớn đạt được và chưa đạt được để trên cơ sở đó thiết kế mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đối với một số mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu phù hợp, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn trước và điều kiện triển khai của giai đoạn 2021-2025. Xem xét tính toán xây dựng khung chỉ tiêu để bảo đảm khả thi, phù hợp thực tế, địa bàn, địa lý.

Về giải pháp, quán triệt nguyên tắc thiết kế các giải pháp tạo môi trường, điều kiện ưu đãi, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật, không đưa các giải pháp mang tính chất thủ tục hành chính bắt buộc, đặc biệt là làm tăng chi phí. Nghiên cứu có cơ chế, giải pháp tăng lợi ích để khuyến khích và tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, thói quen của người dân đối với các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Về tổ chức thực hiện, rà soát để bổ sung quy định về phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho các bộ, cơ quan với nhiệm vụ rõ ràng, có thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan kiểm tra, đánh giá, để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của Đề án. Nghiên cứu kỹ về sự cần thiết xây dựng Luật Thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp ngày 21/7/2021, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống, bí mật cá nhân, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chủ trì, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo các nội dung nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 9/2021.

Chuyên gia hiến kế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, ngành ngân hàng cần nhìn thẳng vào thực tế - khi nhiều người dân vẫn còn thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt, e ngại tiếp cận các dịch vụ, công nghệ thanh toán mới.

Giai đoạn tăng trưởng vừa rồi do tác động của Covid-19 buộc người dân phải giao dịch phi tiếp xúc, không phải vì mức thu nhập - đời sống của người dân tăng, không hoàn toàn do sức hút của hình thức thanh toán này.

“Kinh nghiệm quốc tế đều có 1 chương trình kích cầu về thanh toán không dùng tiền mặt, ví dụ Thái Lan, những món nhỏ dưới 5.000 bath miễn phí giai đoạn đầu. Của mình chẳng hạn dưới 100.000 đồng miễn phí, biết đâu dân sẽ áp dụng nhiều hơn, khuyến khích các cửa hàng lắp đặt. Thứ 2 là hệ thống thu thuế điện tử đồng bộ, đặc biệt chú trọng hệ thống thanh toán để dịch vụ công hoặc các khoản phúc lợi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo ông Lực, nên xây dựng 1 bộ tiêu chí để đo lường chính xác thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào; ban hành quy định quản lý về fintech, bittech, mobilemoney. “Sẽ hơi mở thời gian đầu, sau đó kiểm soát dần. Nhưng điều quan trọng nhất là cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, công nhận lẫn nhau phải có hành lang pháp lý”, ông Lực nêu quan điểm.

Bảo Linh (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang