Khi “của quý” thành… của nợ! (Kỳ 3)

author 10:05 05/10/2012

(VietQ.vn) - Trong khi chuyên ngành khám chữa bệnh phụ nữ đã có từ hàng nghìn năm nay thì tổ chức chuyên ngành Nam học trên thế giới phải đến những năm 1980 mới bắt đầu phát triển; và đặc biệt có những bước chuyển biến mạnh mẽ kể từ 1995.

Kỳ 3: Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ Trần Quán Anh trong ca mổ (người deo kính bên phải). Ảnh tư liệu

Nam giới cũng cần… bình đẳng

Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như Mỹ và Trung Quốc đều có bệnh viện riêng về Nam học; tại các nước châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức, bệnh viện đa khoa nào cũng có khoa Nam học. Ngay như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng vậy. Tại Việt Nam do điều kiện chiến tranh và sau đó là giai đoạn khắc phục hậu quả và khôi phục kinh tế, phòng chống các dịch bệnh nên có chậm hơn. Dù sao đó cũng là tín hiệu đáng mừng vì Nam học là một chuyên ngành có số bệnh nhân không kém bất cứ khoa nào khác.

Một người bạn của Bác sĩ Trần Quán Anh lúc bấy giờ là giáo sư Gooren - Chủ nhiệm khoa Nam học tại Hà Lan, cho biết ở đất nước ông, người dân mắc phải những chứng bệnh loại này có thể công khai nhờ vô tuyến truyền hình hoặc các phương tiện thông tin đại chúng mách hộ nơi chữa.

Người ta có thể hỏi một cách thoải mái những câu cụ thể như: tôi bị bệnh yếu sinh lý hoặc hiếm muộn con cái, tốt nhất nên chữa ở đâu? Với họ, những thứ bệnh “của riêng” đàn ông cũng phải được nhìn nhận bình đẳng và được khám chữa như mọi bệnh khác.

Trong khi đó ở ta, việc bệnh nhân phải “giấu nhẹm” bệnh tình của mình ngoài nguyên nhân tâm lý cũng như quan niệm khắt khe và có phần sai lầm về người bệnh, còn do sự bất cập về kiến thức trên lĩnh vực này. Chẳng hạn, không phải ai cũng hiểu Nam học là gì. Và, không phải cứ yếu sinh lý là bệnh Nam học, mà chuyên ngành này phụ trách nhiều mảng, trong đó có hai mảng chính là điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật.

Phẫu thuật cấp cứu

Trong điều trị bằng phẫu thuật, trước tiên xin đề cập đến phẫu thuật cấp cứu. Đó là những trường hợp bị kích thích nhưng không dám “ra ngoài” nên tự “vặn vẹo” khiến vật hang bị vỡ, hoặc do sinh hoạt “quá trớn”. Cũng có trường hợp vì quá ghen tuông, vợ… cắt của chồng hay không may bị súc vật cắn…

Tại bệnh viện Việt Đức từng xảy ra trường hợp bệnh nhân bị chó cắn mất… hẳn từ lúc 2 tuổi. Đến năm 20 tuổi, nạn nhân từng có lúc đòi tự vẫn khi có nhu cầu cưới vợ. Rất may anh ta được các bác sĩ làm cho một chiếc… dương vật giả. Kết quả, bệnh nhân không chỉ cưới được vợ mà còn có tới 2 con. Không những thế, con anh này còn đi thi hoa hậu.

Nguyên tắc làm dương vật là lấy da bụng cuộn lại thành vật giống cái… quai va-ly rồi lấy sụn xương độn vào. Cái “quai va-ly” phải có độ to, ở giữa phải có cái “nòng”, cũng bằng da, để tiểu tiện và được trồng vào vị trí dương vật. Tất nhiên không thể như người bình thường, người sở hữu “của quí” nhân tạo này phải tự giữ gìn vì lúc nào nó cũng ở tư thế… đứng và cứng, nếu ngã xuống thì đích thị… gãy xương.

<br>
Một ca phẫu thuật. Ảnh tư liệu

Ngoài chuyện đó, các chức năng tiểu tiện, giao hợp và quan trọng là cảm giác hứng khởi khi xuất tinh cũng bình thường như bao người khác. Có thể với người phụ nữ mới cưới, những lần đầu “gặp gỡ” việc tiếp xúc sẽ hơi khó khăn nhưng khi đã có con thì mọi chuyện, nói như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, là “ngắn dài to nhỏ vừa vặn cả”…

Theo bác sĩ Trần Quán Anh, để làm một “chiếc” dương vật như thế phải mất 6 tháng và trải qua 4 lần phẫu thuật. Thế nhưng, khi đã “ăn” vào nghĩa là “nó” đã được nuôi dưỡng và vĩnh viễn thành một bộ phận của cơ thể. Kinh nghiệm cho thấy đó là chỗ rất nhạy cảm nên mạch máu cũng như các nhánh thần kinh đều phát triển.

Thế nên một vài “chiếc” đầu, do các “nhà chế tạo” hơi “tham” nên càng ngày “nó” càng to… khủng khiếp!

Phẫu thuật tạo hình

Bên cạnh phẫu thuật cấp cứu là phẫu thuật tạo hình lại dương vật trong những trường hợp dị tật bẩm sinh như: lỗ đái lệch thấp, dương vật cong queo hay chẻ đôi, làm to, làm dài dương vật vốn… bé tí.

Trường hợp phải làm to và dài dương vật cũng theo nguyên tắc “giật gấu vá vai”, nghĩa là lấy da của bệnh nhân ở bìu, ở bụng làm như chiếc quai va-ly và độn cho to ra, sau đó trồng, bọc lấy phần dương vật cũ.

Những trường hợp phẫu thuật như thế thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi sự dụng công rất lớn của các bác sĩ và không phải lúc nào cũng “bách phát bách trúng”, vì còn lệ thuộc vào cơ thể từng bệnh nhân.

<br>
 Ảnh minh họa

Phẫu thuật định giới

Công việc này trả lại đúng giới tính cho người bệnh trong những trường hợp giả nam giả nữ hoặc ái nam ái nữ.

Chẳng hạn, có khi cơ thể bệnh nhân là nữ, có buồng trứng, tử cung hẳn hoi nhưng lại “thò” ra một mẩu ở chỗ kín khiến người ta tưởng là nam giới thì phải “trả lại tên cho em” bằng phẫu thuật.

Lại có những người đúng là nam giới nhưng tinh hoàn ẩn ở hai bên bìu, bìu thụt vào khiến người ta lại tưởng cửa mình phụ nữ nên phải phục hồi, làm dương vật giả để trở thành nam giới. Đó là chưa kể đến loại phẫu thuật chuyển giới từ người nam trở thành nữ và ngược lại mà luật pháp nước ta bấy giờ chưa cho phép.

Trên thực tế, ngay trong những trường hợp điều trị nội khoa cũng có khi phải can thiệp bằng phẫu thuật. Chẳng hạn trường hợp xuất tinh sớm hay vô sinh nam giới do tắc ống dẫn tinh, tắc mào tinh, phải thực hiện phẫu thuật nối lại để đường đi của tinh trùng được “thông thoáng”.

(Còn nữa)

Bùi Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang