Khi “của quý” thành… của nợ! (Kỳ 1)

author 09:55 03/10/2012

(VietQ.vn) – Năm 2006, Trung tâm Nam học thuộc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một cách nhìn và cơ hội mới cho các gia đình mà các ông chồng đang lâm vào tình trạng “có cũng như không”.

Kỳ 1: Nỗi khổ đàn ông

LTS : Bạn đọc thân mến! Nhiều năm trước, PV Chất lượng Việt Nam từng có dịp tiếp xúc và làm việc với Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quán Anh khi ông đang là Tổng thư ký Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam - Hội viên hội Tiết niệu thế giới - Giám đốc Trung tâm Nam học bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (giáo sư hiện là Giám đốc Trung tâm Nam học và tiết niệu Tâm Anh, Hà Nội).

GS - TS Trần Quán Anh
GS - TS Trần Quán Anh

Với mong muốn đóng góp thêm một cách nhìn mới trong vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, kể từ hôm nay Chất lượng Việt Nam bắt đầu đăng tải những câu chuyện thú vị và ý nghĩa, liên quan đến buổi sơ khai của ngành Nam học Việt Nam.

Chuyện khó nói

Trung tuần tháng 3/2006, Trung tâm Nam khoa - Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hai bệnh nhân là anh em ruột đến từ TP.HCM với nguyện vọng được khám và điều trị dị tật bẩm sinh… dương vật. Yêu cầu của họ là được giữ kín lai lịch, kể cả với vợ con và những người thân.

Nhìn dáng vẻ bình thường, thậm chí phong độ của họ, không ai có thể tin rằng họ đang đối diện với nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc chỉ vì cái… kia quá bé. Những người phụ nữ của họ, sau nhiều năm làm vợ chưa bao giờ có được khoái cảm thực sự, đã phải lên tiếng phản ứng tình trạng sinh hoạt kiểu “đuôi chuột ngoáy lọ mỡ” của các ông chồng, dù rằng họ vẫn có khả năng giao hợp, xuất tinh và sinh con.

Phần vì muốn giữ hạnh phúc gia đình, phần vì "tối hậu thư" của các bà vợ về một cuộc chia tay bất khả kháng, cả hai khăn gói lên đường với hy vọng cải thiện tình hình theo cả hai hướng, nói theo ngôn ngữ điền kinh là… dài hơn và to hơn.

Nguyện vọng của họ được chấp nhận và sau khi mọi chuyện suôn sẻ, 6 tháng sau họ trở về nhà với niềm kiêu hãnh và trên môi là câu nói quen tai như các bà nội trợ vẫn nghe trong các chương trình quảng cáo… bột giặt: “Ngạc nhiên chưa?”

Có những điều khiến đàn ông rất khó "tỏ cùng ai"

Tâm lý “người hùng”

Theo Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quán Anh, một công trình nghiên cứu được tiến hành khi Trung tâm Nam học bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn là một đơn vị Nam học cho thấy, tâm lý phổ biến của 102 bệnh nhân được điều trị tại đây có 3 điểm đáng chú ý là: xấu hổ và giấu giếm; rất lo lắng về bệnh tật của mình và muốn được điều trị tích cực.

Thói sĩ diện và tâm lý người hùng chính là nguyên nhân gây ra những nỗi khổ đàn ông. Quả là bi kịch khi họ vừa hy vọng giải quyết tích cực bệnh tình lại vừa muốn giấu giếm và xấu hổ khi phải nói ra sự "yếu kém" với người khác, ngay cả vợ mình.

Một người đàn ông sau lần đầu gặp gỡ “bất thành” với vợ rất dễ rơi vào tình trạng hoang mang, để rồi những lần thất bại sau đó phải âm thầm “tự cứu mình” bằng đủ cách: gặp thuốc gì cũng uống, món gì cũng ăn nhờ… học lỏm được từ các “bậc thầy” cùng giới. Khi tình hình chẳng có gì sáng sủa, tinh thần họ càng trở nên cực kỳ tồi tệ, dấn sâu vào mặc cảm bất lực và tìm cách xa lánh vợ, chán nản, trễ nải công việc và mất hiệu suất lao động.

Thói sĩ diện và tâm lý người hùng trong trường hợp này chính là nguyên nhân gây ra những nỗi khổ đàn ông. Quả là bi kịch khi họ vừa hy vọng giải quyết tích cực bệnh tình lại vừa muốn giấu giếm và xấu hổ khi phải nói ra sự “yếu kém” với người khác, ngay cả vợ mình. Trong khi đó người vợ, từ chỗ không chú ý và đơn giản, sẽ đi đến chỗ thắc mắc, ngạc nhiên để rồi cuối cùng sinh ra ấm ức với những điều không dễ gì bộc bạch.

Cho tới khi biết chắc anh chồng đang mắc bệnh, họ có thể phản ứng bằng thái độ khinh ghét, coi thường; cũng có người mau mắn đưa chồng đi chạy chữa, để rồi sau mỗi đợt điều trị lại sốt ruột “kiểm tra”, khiến đức lang quân càng thêm căng thẳng. Trong những trường hợp như vậy, thông thường người đàn ông sẽ dần dần bị “truất quyền” làm chủ và gần như biến mất khỏi gia đình trong sự lạnh nhạt và thờ ơ của vợ.

Bỏ cuộc vì… phận sự

Bên cạnh những vấn đề của bản thân và gia đình, một trở ngại lớn với người đàn ông là sự khắt khe của dư luận xã hội với bệnh tình của họ.

 

Thật khó giải thích để mọi người cùng cảm thông và phân biệt rõ ràng giữa người là nạn nhân của thứ bệnh quái ác này với những trường hợp là hậu quả của thói ăn chơi sa đọa. Đó cũng là nguyên nhân đáng kể dẫn đến tâm lý mặc cảm, giấu bệnh, khiến nhiều người lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của mình nếu đi chữa bệnh này.

Tại Bệnh viện Việt Đức từng có trường hợp một quan chức cấp tỉnh đến khám đã bỏ về khi biết trong số sinh viên thực tập ở đây có người của tỉnh mình. Người đàn ông này bỏ cuộc chỉ vì e ngại sẽ có ngày câu chuyện về sự “yếu kém” của mình lan ra khắp tỉnh và nếu thế làm sao ông được yên ổn để thi hành phận sự.

Thế nhưng bấy giờ cũng có trường hợp bệnh nhân 83 tuổi là một nhà văn, đã tìm đến bệnh viện yêu cầu giúp đỡ để vui lòng bà vợ kế đang độ hồi xuân. Ông tâm sự chân thành, rằng mình phải đi chữa để đáp ứng cho bà vợ mới thôi, chứ tuổi ông thiết gì cái chuyện này và: “Nếu không, bà ấy mà đi ngoại tình thì tôi cũng mất danh dự”. Thật may, các bác sĩ đã giúp ông toại nguyện.

(Còn tiếp)

Bùi Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang