Khỏi Covid-19 bao lâu có thể hiến máu an toàn?

author 14:39 30/03/2022

(VietQ.vn) - Hiến máu là hành động thể hiện sự chia sẻ của những người khỏe mạnh và giúp đỡ người bệnh đang cần máu để điều trị cũng như duy trì sự sống. Nhưng sau khi mắc COVID-19 bao nhiêu lâu thì người mắc có thể tham gia hiến máu an toàn?

Một nick name đăng trong hội nhóm hiến máu nhân đạo chia sẻ: “Mình bị nhiễm Covid-19 đã khỏi được gần 1 tháng, sắp tới chúng mình có chương trình hiến máu nhân đạo thì mình có hiến được không. Sau khi hiến máu có ảnh hưởng tới sức khỏe người hiến không?”.

Theo Ths Nguyễn Văn Nhữ, Trưởng phòng Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương), những người bị mắc COVID-19 đã khỏi, sau 10 ngày có thể hiến máu được. Cụ thể, các trường hợp F0 có thể hiến máu sau 10 ngày kể từ thời điểm đáp ứng đủ 2 điều kiện gồm: Âm tính với virus SARS-CoV-2 (phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) và không còn một trong các triệu chứng: Sốt, ho, khó thở, tiêu chảy…

Điều kiện trên cũng phù hợp với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). FDA cũng không khuyến cáo phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người hiến máu.

 Sau khi khỏi COVID-19 trong vòng 10 ngày và đáp ứng đủ điều kiện là có thể hiến máu an toàn.

Với các trường hợp tiếp xúc gần (F1), thời gian trì hoãn hiến máu sẽ áp dụng theo quy định của Bộ Y tế về cách ly y tế với F1. Cụ thể, theo quy định hiện nay là thực hiện cách ly y tế 5 ngày với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 và cách ly y tế 7 ngày với F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

ThS Nhữ lưu ý người dân chỉ đăng ký hiến máu khi thực sự khỏe mạnh và không có nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, chuyên gia y tế cho biết, sau khi hiến máu, người hiến cần tăng một số dinh dưỡng thích đáng, dùng thịt nạc, trứng gà, chế phẩm đậu, rau cải và trái cây tươi, thúc đẩy các thành phần máu càng nhanh hồi phục. Thế nhưng, không nên ăn uống vô độ, cũng không được uống rượu. Chỉ cần ăn uống khoa học hợp lý, có giá trị dinh dưỡng, ngon miệng, vừa đủ, thoải mái, trong thời gian ngắn sẽ hồi phục phần máu mất đi.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang