Khơi thông nguồn vốn xanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững

author 14:03 17/06/2024

(VietQ.vn) - Chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh đã và đang được thực hiện, giúp doanh nghiệp hưởng “trái ngọt”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rào cản về vốn vẫn là vấn đề lớn khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi phải thay đổi công nghệ, thay đổi nhân lực, quy trình sản xuất thậm chí là chuyên sâu nên rất tốt kém.

Nguồn vốn là một trong những yếu tố quyết định đến việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Song song với những thành tựu kinh tế đạt được thời gian qua, Việt Nam cũng đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo lợi ích, sức khỏe và an toàn của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn, việc hoạch định lộ trình tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu.

Hiện nay, chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh đã và đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện, giúp doanh nghiệp hưởng “trái ngọt”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rào cản về vốn vẫn là vấn đề lớn khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi đòi hỏi phải thay đổi công nghệ, nhân lực, quy trình sản xuất thậm chí là chuyên sâu nên rất tốt kém.

Thực tế, do khoảng trống về khung pháp lý, hạ tầng và cơ chế ưu đãi phù hợp, nguồn vốn xanh hiện vẫn eo hẹp. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637.000 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh vào cuối năm 2015 (71.000 tỷ đồng). Có điều, dù tăng trưởng nhanh nhưng tín dụng xanh hiện có quy mô khiêm tốn, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Về cổ phiếu xanh tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, các công ty niêm yết phải công bố phát triển bền vững từ năm 2016. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG (đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) đưa ra còn khá chung chung...

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các định hướng về phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện rõ ràng trong các nghị quyết. Song, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, ngoài việc ban hành các thể chế, vai trò của Nhà nước còn nằm ở nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cả nhà hoạch định chính sách. 

Tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang