Hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh tại Việt Nam

author 12:23 22/04/2024

(VietQ.vn) - TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng, công khai, mang tính bao quát song cũng đủ cụ thể để bảo đảm thực hiện mục tiêu kinh tế xanh; tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh.

Kinh tế xanh là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội hiện tại và tương lai bởi những lợi ích lâu dài và tính chất bền vững. Ảnh minh họa.

Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.

Theo TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp), tại Hội nghị Khí hậu COP 26, Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần chuyển hóa những cam kết này thành hành động cụ thể, tập trung và quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng, công khai, mang tính bao quát song cũng đủ cụ thể để bảo đảm thực hiện mục tiêu kinh tế xanh; tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như nghiên cứu tình hình thực tiễn, TS. Lê Vệ Quốc cho rằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh ở Việt Nam nên được xem xét ở một số nội dung cụ thể như sau: 

Thứ nhất, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ văn bản pháp luật hiện hành về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế và phí, môi trường, tài nguyên (nước, đất đai, biển…); việc sử dụng năng lượng, khoa học và công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực… liên quan đến phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, như trên đã đề cập, hiện nay các quy định về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam nằm rải rác tại nhiều văn bản, song chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh”. Do vậy đây là hướng nghiên cứu đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất, tham mưu ban hành văn bản quy định về vấn đề này.

Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh các chính sách về môi trường để phù hợp với tình hình mới, nhất là hệ thống quy định về thuế tài nguyên, thuế môi trường. Cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế xanh (như giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế…).

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh.

Thứ tư, cần sớm xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ năm, cần sớm có hệ thống quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, qua đó hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng Luật Mua sắm xanh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới (Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch,Hàn Quốc...) để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hành lang pháp lý thúc đấy phát triển kinh tế xanh. Như Hàn Quốc đã thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) với chức năng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thiết lập các chính sách phát triển kinh tế xanh thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, đưa ra kết quả nghiên cứu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế xanh.

Hoàng Bách

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang