Không có tư cách pháp nhân: Hàng loạt tài khoản ngân hàng có nguy cơ ‘xoá sổ’

authorĐỗ Thu Thoan 12:53 04/06/2017

(VietQ.vn) - Nhiều hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... khi nắm bắt được thông tin liên quan đến Thông tư 32/2016 đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách "lên" doanh nghiệp và thay đổi chủ tài khoản.

Thông tư 32/2016 có hiệu lực từ ngày 1/3/2017 do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh ký. Thông tư 32/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014 ngày 19/8/2015 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dẫn thông tin theo Dân trí.

Với thông tư 32/2016, số tài khoản mở tại ngân hàng phải do pháp nhân hoặc cá nhân đứng tên. Các đối tượng không phải là pháp nhân không đủ tư cách chủ thể đứng tên tài khoản ngân hàng.

Áp dụng thông tư này, nhiều ngân hàng đã gửi thông báo đến các hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân.

Có nhiều phản ứng trái chiều liên quan đến Thông tư 32/2016. Nhiều hộ kinh doanh, văn phòng luật sư khi nắm bắt được thông tin này đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách "lên" doanh nghiệp và thay đổi chủ tài khoản.

khong-co-tu-cach-phap-nhan-hang-loat-tai-khoan-ngan-hang-co-nguy-co-xoa-so

Nhiều ngân hàng đã gửi thông báo đến hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Dân trí dẫn lời TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi theo như quy định tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư cần phải rõ ràng và đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời, nên có thêm thời gian để thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 32/2016 có nhiều bất cập, gây khó cho hộ gia đình, tổ hợp tác. Nhiều văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân… lo lắng khi phải xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản.

Theo Pháp luật TP.HCM (PLO), nhiều văn phòng luật sư (VPLS) tại TP.HCM nhận được thông báo của ngân hàng yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân.

Luật sư LNP, Trưởng văn phòng luật sư LNP, cho biết VPLS được đề nghị chuyển số tài khoản đứng tên VPLS sang đứng tên cá nhân với lý do VPLS không có tư cách pháp nhân. “Tôi thắc mắc chuyển như vậy, vấn đề thuế giải quyết như thế nào? Ngân hàng nói không quan tâm chuyện thuế của tôi, còn Thông tư 32/2016 của NHNN yêu cầu chuyển thì phải chuyển!” - luật sư P. kể.

Ông cũng cho biết, nhân viên ngân hàng hướng dẫn ông 2 cách làm. Một là chuyển VPLS lên thành công ty TNHH để có tư cách pháp nhân. Hai là chuyển tài khoản sang tên cá nhân nếu vẫn muốn giữ hình thức VPLS.

Theo đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ tịch câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, khẳng định NHNN và cơ quan chức năng đã làm sai cơ bản khiến mọi thứ “rối loạn lên”. Ông phân tích: Bản chất Bộ luật Dân sự 2015 không sai khi xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản. Nhưng điều này không có nghĩa bắt buộc các tổ chức không phải pháp nhân phải chuyển hết thành pháp nhân hay chuyển sang tên cá nhân.

“Theo tôi, tên tài khoản giao dịch trước đây thế nào thì cứ giữ nguyên thế đấy. Nhưng khi giao dịch thì chỉ cần xem xét bản chất giao dịch với ngân hàng là giao dịch mang tính cá nhân để xử lý giao dịch cho phù hợp” - ông Đức đề nghị.

Liên hệ với NHNN Chi nhánh TP.HCM, 1 phó giám đốc cơ quan này cho biết Thông tư 32/2016 có yêu cầu chuyển đổi tài khoản của tổ chức không là pháp nhân sang tài khoản cá nhân. “Tuy nhiên, nếu việc chuyển đổi này có ảnh hưởng đến thủ tục thuế, bảo hiểm, danh xưng… thì ngân hàng sẽ nghiên cứu và trả lời bằng công văn” - PLO dẫn lời đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang