Uber không còn ở Việt Nam, Cục Thuế TP.HCM ‘cầu cứu’ Tổng Cục Thuế về việc thu nợ thuế

authorĐỗ Thu Thoan 10:29 22/07/2018

(VietQ.vn) - Ứng dụng gọi xe Uber đã rời khỏi Việt Nam khiến việc quản lý thu thuế doanh nghiệp này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, và mới đây Cục Thuế TP.HCM đã “cầu cứu” Tổng Cục Thuế về phương án xử lý thu nợ thuế Uber.

Sự kiện: Kinh doanh

Liên quan đến khoản truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V tại Việt Nam, dẫn thông tin Zing đăng tải, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thuế tổ chức sáng ngày 20/7, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ông Trần Ngọc Tâm đã có phản ánh về việc hiện nay Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, điều này khiến việc thu thuế đối với doanh nghiệp này là khó có thể thực hiện, trong khi đó, tòa án đang thụ lý vụ việc nhưng không biết lúc nào mới xử lý được.

Do vậy, ông Trần Ngọc Tâm đề xuất “xin Tổng Cục Thuế có biện pháp hỗ trợ việc này”.

khong-con-o-viet-nam-cuc-thue-tphcm-cau-cuu-tong-cuc-thue-ve-viec-thu-no-thue-uber

 Cục Thuế TP.HCM ‘cầu cứu’ Tổng Cục Thuế về việc thu nợ thuế của Uber. Ảnh minh họa

Theo báo Dân Trí, Uber B.V đã chính thức rút khỏi Việt Nam từ hôm 8/4/2018, theo đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ sáp nhập vào Grab. Và cho đến hiện nay, Cục Thuế TP.HCM đang không thể cưỡng chế truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V vì đang bị doanh nghiệp này kiện ra tòa. Ngay cả trong trường hợp Tòa tuyên Cục Thuế TP.HCM thắng kiện thì cơ quan này cũng khó mà truy thu thuế của Uber B.V bởi doanh nghiệp này không có tài khoản ngân hàng cũng như văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Trao đổi với Dân Trí trước đó, ông Đặng Duy Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, nghĩa vụ thuế ở đây sẽ thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.

Nếu khi Uber bán cho Grab mà có thoả thuận Grab phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế luôn thì Grab sẽ phải thay Uber nộp khoản thuế đó. Còn nếu không thì lại khác. Ông Khanh cũng nhấn mạnh: “Ở đây, cần phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng thoả thuận giữa Uber - Grab".

Thế chân Uber, ứng dụng gọi xe Go-Jek từ Indonesia 'nhảy' vào Việt Nam(VietQ.vn) - Mới đây, Go-Jek, công ty khởi nghiệp (startup) ứng dụng gọi xe rất phổ biến ở Indonesia, vừa công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào 4 thị trường mới, trong đó có Việt Nam.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: “Các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó”.

Tuy nhiên, phía Grab đã thẳng thừng khẳng định, doanh nghiệp này không liên quan đến khoản tiền mà Cục thuế TP.HCM đang truy thu đối với Uber tại Việt Nam, đồng thời, đại diện Grab cũng nói thêm: "Mọi thắc mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế của Uber, xin vui lòng liên lạc với Giám đốc Chính sách và Truyền thông Uber châu Á - Thái Bình Dương".

Theo báo VnExpress, trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan). Quyết định này được đưa ra sau khi Cục thuế TP.HCM thanh tra công ty này trong thời gian được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6/2017.

Sự việc sau đó được Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.

Tuy nhiên, Uber đã không nộp thuế theo quy định mà đã hai lần khởi kiện Cục thuế TP.HCM ra tòa vì không đồng tình với quyết định của cơ quan này.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang