Không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng "lách luật" ra thị trường
Hà Nội: Thương hiệu bánh cốm Nguyên Ninh bị tạm dừng hoạt động do vi phạm an toàn thực phẩm
Tràn lan đồ ăn nhà làm dịp cận Tết 2025 nhãn mác không đầy đủ đe dọa an toàn thực phẩm
Thành lập 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025
TP.HCM: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm
Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm". Các bị can bị cáo buộc sản xuất giá đỗ ngâm ủ bằng hoạt chất 6-Benzylaminopurine (BAP), một loại chất cấm trong sản xuất thực phẩm. Vụ việc đã làm dậy sóng dư luận, đặc biệt khi một trong các cơ sở vi phạm, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm bởi Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk.
Cơ sở sản xuất Lâm Đạo bị phát hiện sản xuất giá ngâm ủ hóa chất nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Uy Nguyễn
Cơ sở này không chỉ cung cấp giá đỗ cho chợ đầu mối tại Đắk Lắk mà còn bán 350-400kg/ngày vào hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình cấp giấy chứng nhận và khả năng giám sát chất lượng thực phẩm sau khi cấp phép.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk thừa nhận còn nhiều bất cập trong quá trình kiểm tra và giám sát. Khi cấp phép, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra điều kiện sản xuất ban đầu, nhưng thiếu cơ chế theo dõi hoạt động sản xuất hàng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất có thể "lách luật" sau khi được cấp chứng nhận.
"Chúng tôi đã đề xuất áp dụng công nghệ cao để giám sát, bao gồm việc lắp camera tại các cơ sở sản xuất và sử dụng nhật ký điện tử cập nhật quy trình hàng ngày. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng và chưa có chủ trương để triển khai," lãnh đạo Sở NN&PTNT chia sẻ.
Theo bác sĩ Hồ Thanh Lịch - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, BAP là một loại cytokinin tổng hợp dùng trong nông nghiệp để thúc đẩy nảy mầm và tăng trưởng cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng liều lượng trong thực phẩm có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người. Các nguy cơ bao gồm rối loạn nội tiết, tổn thương hệ thần kinh và ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.
Quá trình sản xuất giá đỗ an toàn thường kéo dài gần một tuần với các bước ngâm, ủ và chăm sóc tỉ mỉ. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian và làm giá đỗ bắt mắt hơn, một số cơ sở đã sử dụng BAP. Điều này khiến giá đỗ trông trắng, mập và giòn nhưng tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, ngay cả khi được rửa kỹ.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định rằng vụ việc không chỉ giới hạn ở hệ thống Bách Hóa Xanh mà có thể xảy ra ở nhiều nơi khác nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đã triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm", kêu gọi sự tham gia của các nhà bán lẻ và nhà cung cấp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn.
"Mục tiêu của chương trình là tăng cường trách nhiệm của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng, đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm đạt tiêu chuẩn và sản phẩm kém chất lượng. Điều này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo cơ hội thị trường cho những nhà sản xuất có trách nhiệm," ông Phương chia sẻ.
Ông Đào Hà Trung- chủ tịch Hội Công nghệ TP.HCM cho rằng, ngoài việc áp dụng tăng cường truy xuất nguồn gốc, các hệ thống phân phối phải kiểm tra chặt nhà cung cấp hơn bằng việc kiểm nghiệm.
"Đừng chỉ nhìn vào tờ giấy mà cho hàng vào, thay vào đó tăng tần suất kiểm tra đột xuất mới ra được nhiều vấn đề, và phải công khai kết quả lấy mẫu kiểm tra của hệ thống phân phối, của nhà cung cấp đó. Việc công khai mới tăng yếu tố giám sát, răn đe", ông Trung nhấn mạnh.
Thực phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: N.Trí
Về phía ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kêu gọi các tỉnh Tây Nguyên phối hợp tham gia để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng cao. Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh rằng sự trung thực và trách nhiệm sẽ là yếu tố quyết định sự tồn tại của các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe.
Từ góc độ doanh nghiệp bán lẻ, bà Võ Thị Bích Thủy, đại diện Saigon Co.op, khẳng định việc hợp tác giữa các nhà bán lẻ là chìa khóa để kiểm soát chất lượng hàng hóa. "Một siêu thị không thể kiểm soát hết được, nhưng nếu chúng ta bắt tay nhau, việc mang đến bữa ăn an toàn cho người dân sẽ khả thi hơn," bà Thủy nói.
Đại diện Bách Hóa Xanh và Kingfoodmart cũng cam kết tham gia tích cực vào chương trình "Tick xanh trách nhiệm", coi đây là giải pháp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm. Kingfoodmart đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 100% nhà cung cấp tham gia chương trình.
Duy Trinh (t/h)