Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý và hàng kém chất lượng dịp cuối năm

author 06:28 28/10/2023

(VietQ.vn) - Sở Công thương Hà Nội cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao, do đó không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý và hàng kém chất lượng.

Nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết 2024 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn TP.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn rất lớn. Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới đáp ứng khoảng 20-70% (tùy theo sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước. Trong những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước. Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

 Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm. (Ảnh: Công thương)

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. “Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn TP đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). Vì vậy, Hà Nội và các tỉnh, TP đã đẩy mạnh kết nối để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm” – ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Do đó, để chuẩn bị mùa mua sắm Tết, TP.Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.

Tăng cường thực hiện giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu

Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sơ sản xuất mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ Nhân dân.

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn. Có thể thấy, với hệ thống cung ứng hàng hóa rộng khắp trên địa bàn TP dịp Tết sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP” – bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn TP.

Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng

Nhận định về tình hình thị trường những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá đây là thời gian cao điểm vì bước vào Tết Nguyên đán, tình hình thị trường đặc biệt sôi động, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra vi phạm đến các lĩnh vực như xăng, dầu, hóa chất, an toàn thực phẩm...

Chính vì thế, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, không để đối tượng lợi dụng tình hình kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống đầu cơ, găm hàng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tạo khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu giả tạo để trục lợi bất hợp pháp, nhằm góp phần ổn định thị trường.

Tiếp tục duy trì công tác kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt trong năm 2023. Tập trung kiểm tra trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực do ngành Công Thương quản lý như: Bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu… đặc biệt là trong tháng an toàn thực phẩm 2023. Nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính chủ động kiểm tra, xử lý ngay các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức lấy mẫu kiểm định chất lượng đối với sản phẩm lưu thông và nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát; hoạt động sản xuất, lưu thông các sản phẩm rượu thủ công, rượu nhập khẩu.

Gắn trách nhiệm quản lý địa bàn của công chức, đơn vị quản lý thị trường địa phương, nhất là vai trò và trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng đơn vị quản lý thị trường quản lý địa bàn; tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng khác, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan khác trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… Phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại trong các đợt khuyến mại tập trung, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục giải quyết các đơn thư, tổng hợp báo cáo kết quả xử lý thông tin phản ánh theo số Hotline của Tổng cục Quản lý thị trường.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang